Năng lượng tái tạo: Chờ đợi gói giải pháp đột phá
Toạ đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngay sau khi Chính phủ vừa ban hành Quy hoạch Điện VIII được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp mong đợi.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu. Thực hiện cam kết tại hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc ban hành chiến lược, kế hoạch hành động thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành và địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Quy hoạch Điện VIII mới được ban hành đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh: Chủ trương trên có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đặc biệt, mô hình này phù hợp với doanh nghiệp SME, khu công nghiệp đang hướng tới phát triển sinh thái, thân thiện với môi trường.
(Ảnh minh họa: Thanh Hà) |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sử dụng điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp không mất quá nhiều chi phí bảo dưỡng, không mất diện tích đất để lắp đặt pin mặt trời trong khi có khả năng làm mát mái nhà, giảm nhu cầu điện cho điều hoà. Theo tính toán, giờ cao điểm buổi sáng, giá điện cho khu công nghiệp gần 3.200 đồng song đây lại là giờ phát điện mặt trời tốt nhất. Do vậy, giá điện mặt trời rẻ hơn so với điện lưới, doanh nghiệp tiết giảm khá nhiều chi phí sản xuất, qua đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí trong thời gian tới, công nghệ điện mặt trời đang phát triển và có lợi thế cạnh tranh hơn nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu với chi phí ngày càng tăng do yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh. Quy hoạch Điện VIII được ban hành tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực cho năng lượng xanh. Tuy nhiên hiện tại, vẫn còn một số khoảng trống pháp lý khiến các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng, chưa dám đầu tư lắp đặt.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện việc xin cấp giấy phép đầu tư mất nhiều thời gian; chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định điều kiện, thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật với điện mặt trời tự dùng dẫn đến thiếu thống nhất, các địa phương thực hiện khác nhau. Chưa có quy định quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn công trình; quy định cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng như trách nhiệm khi xảy ra sự cố chưa rõ ràng.
Để khơi thông nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, làm rõ nội hàm khái niệm và cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, rào cản để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và thực hiện.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả cho khách hàng và hệ thống lưới điện, trong đó các quy định về phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình mái nhà, bảo đảm an toàn công trình một cách thống nhất và khả thi.
Trong đó, cần chuẩn hoá chất lượng pin mặt trời cũng như quy định liên quan đến việc tháo dỡ, thu hồi và tái chế pin mặt trời không ảnh hưởng đến nhà đầu tư và môi trường. Về lâu dài, cần có giải pháp chính sách tạo điều kiện đưa điện mặt trời mái nhà dư thừa lên hệ thống lưới điện, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các đề xuất về mặt kỹ thuật là đề xuất về tài chính, với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế và khó tiếp cận vốn xanh nên kinh phí đang là thách thức trong đầu tư cho năng lượng tái tạo của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, cần xem xét cơ chế tài chính phù hợp để ngân hàng hỗ trợ, tiếp sức về nguồn lực cho doanh nghiệp.
Bảo Thoa
Bình luận