Cần cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường Vành đai 4
Hà Nội nỗ lực phát triển "giao thông xanh" từ giải pháp xe đạp công cộng Mấu chốt thu hút đầu tư vào bất động sản vùng ven “Cuộc đua” tiện ích làm nóng thị trường bất động sản Hà Nội |
Chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội coi hạ tầng là một trong ba chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó có tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Đại biểu Đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường; không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực. Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được tính kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến các vành đai trở thành một động lực cho phát triển.
Đường Vành đai 4 đi vào hoạt động sẽ kết nối Vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa: Cao Tiến) |
"Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn. Tuyến đường vận hành sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, toàn diện các mặt cho nền kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô.
Vành đai 4 sẽ giúp làm giảm cho phí vận chuyển, logistics, nâng cao giá trị các hành lang ven đường. Tạo tăng trưởng GDP của Hà Nội cũng như các tỉnh được hưởng lợi từ tuyến đường, dự đoán GDP sẽ tăng từ 0,3-0,7%. Cùng với đó là giá trị an ninh quốc phòng do việc tác chiến, di chuyển, điều động sẽ được thuận lợi hơn.
Tuyến đường còn có mục tiêu tạo tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
“Tuy nhiên, cần lưu ý đến việc giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến vốn, đội vốn. Ví dụ như đường Bưởi phải mất nhiều năm mới lưu thông được, đây cũng là một bài học về vấn đề giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là vấn đề tiến độ và chất lượng. Cần có lộ trình bám sát tiến độ, cùng với đó là công tác giám sát, kiểm toán công trình. Nếu chậm tiến độ thì hiệu quả khai thác sẽ bị chậm, dẫn đến đội vốn. Nên đưa tuyến đường vào khai thác từng đoàn chứ không cần chờ làm xong cả tuyến đường mới khai tác”, chuyên gia lưu ý.
Ông Vũ Vinh Phú cũng khẳng định rằng, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, sẽ giúp Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Về việc khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho biết, trước đây có phương thức đổi đất lấy hạ tầng, xây dựng đường là hưởng đất hai bên đường. Nhưng hiện nay nên khai thác theo hướng mới.
“Có thể thấy, trước đây Hà Nội mở 4-5 con đường thì có hơn 500 nhà siêu mỏng, siêu méo nằm không biết bao lâu. Điều đó không chỉ phá vỡ cảnh quan môi trường còn làm giảm giá trị hạ tầng ven đường. Vì vậy, Vành đai 4 cần phải khéo léo trong thiết kế, khai thác sao cho vừa đẹp vừa hiệu quả.
Trong khi chúng ta làm cầu thì chỉ để đi, thì nhiều nước họ làm đài quan sát trên cầu, làm nơi để khách ngắm cảnh, chụp ảnh. Như vậy là tận dụng được cả dịch vụ và du lịch trên một công trình. Vì vậy, nhà thiết kế con đường cần có tầm nhìn xa trông rộng, thiết kế công năng có sức lan tỏa. Trạm nghỉ chân cũng phải văn minh, khai thác kèm dịch vụ văn hóa, du lịch, mang lại vẻ đẹp bền vững cho công trình. Không phải con đường là con đường, không phải cái cầu là chỉ để đi!”, chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Bảo Thoa
Bình luận