Ống hút gạo giành giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo Ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp về kỹ năng điều hành, quản lý

Trong bối cảnh thay đổi cơ cấu kinh tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ðề án của Chính phủ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Ðề án 939) là minh chứng cho những cam kết và giải pháp hiệu quả của Việt Nam trong nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Thông qua các hoạt động đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, với vai trò chủ trì của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ðề án đã khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, tạo việc làm và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ khác, đặc biệt đối với phụ nữ ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Công ty Thảo dược Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum) tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh LỆ THỦY)
Công ty Thảo dược Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum) tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh LỆ THỦY)

Qua 5 năm triển khai Ðề án, đã tuyên truyền cho hơn 13,6 triệu hội viên phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ hơn 63.860 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; hơn 50.600 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Vượt lên chính mình

Là một người khuyết tật từ bé, đồng thời cũng là một người mẹ đơn thân lúc còn trẻ, song chị Trần Thị Như Hoa, Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An, Giám đốc Hợp tác xã Sen Vàng đã không đầu hàng trước số phận kém may mắn của mình. Với quyết tâm không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, chị đã tìm đến với nghề may để tự chăm lo cho cuộc sống. Ngày mới chập chững bước vào nghề, với một phụ nữ khuyết tật như chị Hoa khi độ tuổi đang còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, bên cạnh là đứa con nhỏ thì khó khăn tăng lên gấp bội. Sau hơn một tháng học việc tại tiệm may gần nhà, với sự chịu khó, chăm chỉ cùng sự khéo léo của đôi bàn tay, chị đã nhanh chóng bắt kịp với công việc. Suốt những năm tháng đó, chị Hoa đã cố gắng vừa học nghề may lại tranh thủ mọi thời gian để học thêm cắt may thời trang, nhờ đó chị đã tạo dựng được tiệm may nhỏ do mình làm chủ.

Khi đã cứng cáp tay nghề, độc lập về kinh tế cũng là lúc chị Hoa bắt đầu dạy miễn phí cho các bạn khuyết tật yêu thích nghề may. Từ năm 2014 đến nay, chị đã giúp cho 10 bạn học nghề và ổn định được cuộc sống. Hơn ai hết, chị Hoa thấu hiểu được những khó khăn vất vả của các chị em khuyết tật, hay phụ nữ đơn thân đang cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, xưởng may của chị Hoa thường xuyên có khoảng 8 lao động nữ là người khuyết tật, là phụ nữ nghèo làm việc, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Ðể lan tỏa cũng như chứng minh những nỗ lực của mình, năm 2020, chị đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và nhận được nhiều giải thưởng. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ, động viên từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã giúp chị nâng cao năng lực về khởi nghiệp, kết nối mạng lưới và hướng dẫn thành lập Hợp tác xã. "Với trách nhiệm đại diện cho phụ nữ yếu thế trong hành trình khởi nghiệp, tôi đã có thêm động lực để thực hiện dự định hỗ trợ các bạn khuyết tật vượt qua rào cản từ chính mình, mạnh dạn xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, tự lực vươn lên thực hiện ước mơ, hoài bão để hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất", chị Hoa chia sẻ.

Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số

Ðược khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp từ Ðề án 939, chị Lương Thị Mỹ Huệ (huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã triển khai Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững". Năm 2021, dự án đã được bình chọn là một trong 24 dự án xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Huệ cho biết, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số cùng với tập quán canh tác phát nương làm rẫy lạc hậu đã khiến rừng bị xâm hại, đất trống đồi trọc gia tăng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số vì thế còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tốc độ khai thác thiếu kiểm soát, không khoa học đã khiến nhiều nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, nhiều sản phẩm dược liệu tại Kon Tum đang được khai thác, chế biến thô, giá trị kinh tế thấp, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa để tạo giá trị kinh tế theo đúng tiềm năng phát triển. Nhờ có sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến tỉnh đã thường xuyên động viên, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh, thương hiệu, tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cũng như tìm kiếm nguồn vốn, năm 2018, chị Huệ đã thành lập Công ty Thảo dược Tây Nguyên với mong muốn khai thác hơn nữa thế mạnh về nông sản, dược liệu của địa phương.

Với nguồn hỗ trợ của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cùng với nguồn lực từ công ty, chị Huệ đã tập trung cho việc phát triển sản phẩm mới, xây dựng thêm vùng trồng, đầu tư được máy móc thiết bị, hỗ trợ giống cho bà con, thiết kế nhãn và bao bì cho sản phẩm, phát triển thành công sản phẩm mới. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện chuỗi liên kết với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ðăk Tô, đến nay, sau hai năm thực hiện dự án, chị Huệ đã chủ động liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng vùng nguyên liệu diện tích lớn, tập trung phát triển các loại dược liệu như: khổ qua rừng, sâm dây Ngọc Linh, nếp cái hoa vàng, gừng sẻ..., giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế, nguồn thu nhập ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

"Ðặc biệt, trong năm 2022, công ty đã hỗ trợ được 1,5ha gừng giống cho bà con, thuyết phục các hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia cùng công ty chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, bị ảnh hưởng do dịch bệnh sang các loại cây dược liệu đang có nhu cầu cao, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số", chị Huệ cho biết.

Chắp cánh khát vọng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ ảnh 1
Hướng dẫn người dân thu hoạch rau tại Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy tỉnh Lạng Sơn.

Chắp cánh khát vọng vươn xa

Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn được xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Là đòn bẩy quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Nhận thức rõ vấn đề này, nữ doanh nhân trẻ Vi Thị Lụa ở thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đã đưa hợp tác xã của mình vượt qua những thách thức, khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, làm giàu trên vùng quê còn nghèo khó, chị Lụa đã thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy. Năm 2021, sản phẩm Trà diếp cá Lụa Vy của Hợp tác xã đã đạt giải "Nâng tầm sản phẩm OCOP" tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, đặc biệt khâu tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Chị Lụa đã cùng Ban lãnh đạo hợp tác xã linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp nhu cầu thị trường và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Song song với phương thức bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số bằng việc mở rộng kinh doanh online, làm tốt các khâu quảng bá sản phẩm, hình ảnh, kết nối với khách hàng qua các website, fanpage chính thức. Thông qua các kênh bán hàng trên mạng, nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm và đặt hàng nhiều hơn kênh bán hàng truyền thống.

"Với những kết quả đạt được đã khẳng định chuyển đổi số thật sự là chìa khóa giúp hợp tác xã của chúng tôi bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng. Qua đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho bốn chị với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ðồng thời tạo việc làm cho khoảng 20 hội viên theo thời vụ kết hợp bao tiêu nguyên liệu cho 30 hộ dân trên địa bàn", chị Lụa chia sẻ.

Có thể thấy, thông qua Ðề án 939, nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã được truyền cảm hứng, nâng cao năng lực và tư duy khởi nghiệp cũng như có cơ hội để tiếp cận với các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu phát triển các kênh, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và nhất là tham gia liên kết vào các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, yếu tố về giới cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thành lập mới các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Chị em phụ nữ còn chưa mạnh dạn trong việc thành lập doanh nghiệp; phụ nữ đảm nhiệm nhiều thiên chức như làm vợ, làm mẹ nên gặp thách thức trong việc thành lập và làm chủ doanh nghiệp. Nhiều chị em phụ nữ chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu của sản xuất, kinh doanh; việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện bảo đảm tiền vay.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả của Ðề án 939, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Nội dung tập trung tuyên truyền về tác động, hiệu quả của các mô hình kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thành công và khởi nghiệp, sinh kế cho nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật… Bên cạnh đó, theo đồng chí, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn tới theo hướng gắn kết với Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam và các đơn vị/trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyên sâu cho đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp, qua đó kết nối chặt chẽ giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ.

Theo Minh Châu/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chap-canh-khat-vong-khoi-nghiep-cua-hoi-vien-phu-nu-post720760.html