Đà Nẵng: Dự kiến bố cục không gian quy hoạch phân khu công nghệ cao Đà Nẵng: Dự kiến cần hơn 167 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển đến năm 2025
Đà Nẵng: Dự kiến đến năm 2030 giải quyết việc làm mới cho 32-35 nghìn người/năm
Lao động làm việc trong một nhà máy ở thành phố Đà Nẵng. (Ảnh minh họa: Văn Luận)

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng có tờ trình số 334/TTr-SKHĐT gửi Hội đồng thẩm định về hồ sơ quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo hồ sơ, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống để thu hút những tầng lớp ưu tú có tri thức, kỹ năng và tiềm lực tài chính đến định cư, đầu tư kinh doanh tại thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,47%/năm (giá so sánh), năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 380,17 triệu đồng/lao động (giá hiện hành).

Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 là 2,9%/năm, trong đó tăng tự nhiên khoảng 1,35-1,4%/năm. Đến năm 2025 dân số thường xuyên và tạm trú trên địa bàn thành phố khoảng 1,35 triệu người, tốc độ tăng tương ứng là 2,9%/năm; đến năm 2030 là 1,56 triệu người, tốc độ tăng tương ứng là 2,95%.

Cũng theo hồ sơ quy hoạch, UBND thành phố Đà Nẵng dự kiến số lượng lao động làm việc trong nền kinh tế năm 2025 là 690,2 nghìn người, đến năm 2030 là 798,2 nghìn người.

Giai đoạn 2021-2030, thành phố giải quyết việc làm mới cho 32-35 nghìn người/năm; tốc độ tăng lao động mới giai đoạn 2021-2025 khoảng 4-6,5%/năm, giai đoạn 2026-2030 khoảng 3,5%/năm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức tối đa 5%.

Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo ít nhất 78%, trong đó tỷ lệ lao qua đào tạo có bằng cấp đến năm 2025 đạt 57% và năm 2030 đạt 65,2%; ít nhất 65% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; ít nhất 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thành phố Đà Nẵng dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 85%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.

Bên cạnh đó, thành phố phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đến năm 2030 đạt 10-25%, đến năm 2050 đạt 25-40% (gồm xe buýt đô thị, xe buýt kế cận, các phương thức vận tải công cộng và bán công cộng khác).

Thành phố Đà Nẵng từng bước hình thành các tuyến vận tải công cộng MRT (khối lượng lớn, tốc độ cao) và LRT (đường sắt nhẹ) trên các trục chính và vành đai thành phố, phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm trung chuyển giao thông,...

Sau khi Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thẩm định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến trong quý IV/2022.