Đà Nẵng: Quỹ đất còn thiếu, mặt bằng giá khá cao
Đà Nẵng: Dự kiến định hướng quy hoạch phát triển phân khu Sân bay Đà Nẵng đặt mục tiêu 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại hóa được sản phẩm |
Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tại Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận) |
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 9 tháng đầu năm.
Báo cáo cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 7.345 tỷ đồng, gấp 3 lần về số vốn so với cùng kỳ 2021.
Cụ thể, có 8 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN), tổng với vốn đầu tư 4.609 tỷ đồng và 13 dự án trong các KCN, khu công nghệ cao (CNC), khu công nghệ thông tin (CNTT) với tổng vốn đầu tư 2.735 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cấp mới 37 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 68,474 triệu USD, đạt 45,83% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 có 30 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,397 triệu USD); có 26 lượt dự án tăng/giảm vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 4,250 triệu USD.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 39,2% so với cùng kỳ 2021 (tương đương với 1.815 doanh nghiệp). Tuy nhiên, do một số ngành nghề còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn còn tăng 31,3% so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế đến ngày 29/9/2022, trên địa bàn thành phố có 737 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 163.889,3 tỷ đồng và 944 dự án đã cấp với tổng vốn đăng ký 4,062 tỷ USD; có 35.933 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 238.414 tỷ đồng.
UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá, thu hút FDI giảm về số vốn so với cùng kỳ, chủ yếu thu hút vào khu CNC, khu CNTT.
UBND thành phố nhận định, việc triển khai đầu tư xây dựng các KCN, CCN mới chậm tiến độ, chưa sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; quỹ đất để kêu gọi đầu tư dự án có quy mô lớn còn thiếu và chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất làm cơ sở để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, mặt bằng giá đất của thành phố khá cao khiến nhà đầu tư chần chừ, thậm chí chọn tỉnh, thành khác để đầu tư.
Bên cạnh đó, thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết, nhiều dự án phải tạm dừng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và môi trường, tâm lý nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 31/5, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố chương trình diễn đàn đầu tư. Tại đây, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ, thành phố thời gian qua chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn được ví như "đại bàng" mà chủ yếu là các nhà đầu tư vừa và nhỏ.
Theo bà Phương lý giải, một trong những nguyên nhân chính là giá thuê đất ở Đà Nẵng cao hơn các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Bên cạnh đó, quỹ đất trong các KCN rất hạn chế nên Đà Nẵng khó cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp so với các địa phương khác. Thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương, kế hoạch mở rộng thêm các KCN trong thời gian tới.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 KCN chính gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm và Khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160 ha. Bên cạnh đó, thành phố còn có Khu CNC thành lập năm 2010 với diện tích quy hoạch gần 1.130 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 90%, riêng KCN Liên Chiểu còn đất để cung cấp cho các nhà đầu tư. |
Bình luận