3 hành vi được đề xuất nghiêm cấm trong lĩnh vực việc làm Hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng tại Ngày hội việc làm đến với lao động nữ

Theo ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, qua công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, từ giáp Tết Nguyên đán 2024 đến nay, thị trường lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh khá sôi động, đa dạng về phân khúc tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao, tình trạng lao động thất nghiệp giảm.

Điều đó thể hiện ở các phiên giao dịch việc làm trực tuyến luôn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực, nhóm ngành nghề. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại với số lượng lớn lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngành sử dụng nhiều lao động ngay sau Tết Nguyên đán 2024 để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.

Đa dạng giải pháp kết nối cung - cầu lao động
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để kết nối cung - cầu lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh đã tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, có 1.064 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng và 12.607 người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các phiên giao dịch.

Qua đó, đã có 1.344 người lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp làm việc. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho khoảng 35.000 lượt lao động/năm. Các doanh nghiệp cho thuê lại lao động cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên 50.000 lượt người/năm.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các chương trình đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có 1.357 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thị trường lao động chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Song song với việc kết nối cung - cầu lao động, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung ngành, nghề trọng điểm; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo xây dựng 7 trường được lựa chọn đầu tư thành trường trọng điểm với tổng số 28 ngành, nghề trọng điểm. Trong đó có 8 ngành, nghề trọng điểm cấp quốc tế, 5 ngành, nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN và 15 ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia; từng bước triển khai thực hiện theo kế hoạch, lộ trình Đề án “Đầu tư và phát triển Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đến năm 2025 trở thành trường chất lượng cao”. Hệ thống các trường trọng điểm, trường chất lượng cao trên địa bàn tỉnh là những đơn vị nòng cốt trong đào tạo lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường lao động.

Hiện tại các trường cao đẳng, trung cấp hoạt động trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy mô tuyển sinh và đào tạo hằng năm là 6.000 sinh viên hệ cao đẳng và 7.000 học sinh hệ trung cấp. Một số trường đã chủ động rà soát, đổi mới cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với thực tiễn; thực hiện liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong các doanh nghiệp.

Bình quân hằng năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo trên 50.000 lao động, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp nghề đạt khoảng 7.500 - 8.000 học sinh, sinh viên, còn lại là trình độ nghề sơ cấp, nghề ngắn hạn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nguồn nhân lực của tỉnh có bước phát triển và cơ bản được sử dụng hiệu quả, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng được nâng lên.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tính đến tháng 3/2024, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 18.118 doanh nghiệp; tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 423.000 người. Toàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 1 trung tâm dịch vụ việc làm; 26 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; 39 doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Mạnh Quân