Sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận Bưởi đỏ Đông Cao sẵn sàng vào vụ Tết Hà Nội có thêm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại quận Ba Đình

Vẫn “khó” trong tiêu thụ sản phẩm

Có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, rất nhiều chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn chưa tìm được cách tiêu thụ sản phẩm, vì thế nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể không thể mở rộng quy mô sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, các sản phẩm OCOP hiện chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, việc chưa tìm được đầu ra cho các sản phẩm này khiến hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa đạt được sự kỳ vọng của các chủ thể cũng như địa phương.

Đẩy mạnh liên kết tạo cầu nối ra thị trường cho các sản phẩm OCOP
Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức các điểm bản, giới thiệu sản phẩm OCOP (ảnh Đỗ Đạt)

Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, ở góc độ hợp tác xã, bà Nguyễn Thị Thành - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dị Nậu (Thạch Thất) cho biết, mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỉ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống chiếm tới 70%. Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, như gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị kinh tế đạt thấp.

Tương tự, ở góc độ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở, đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Phân tích nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú chia sẻ, đa phần đối tượng sản xuất sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ và rất nhỏ khiến tính ổn định về chất lượng sản phẩm, năng lực xúc tiến thương mại còn yếu.

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP tại các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù cho nên chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP chưa cao. Ðặc biệt, việc sự liên kết tiêu thụ sản phẩm trong cùng một địa phương cũng như giữa các địa phương còn rời rạc.

Cần chủ động trong tìm kiếm thị trường

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2023. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Đẩy mạnh liên kết tạo cầu nối ra thị trường cho các sản phẩm OCOP
Cùng với sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành Thành phố, để đẩy giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP ra thị trường cần có sự chủ động của các chủ thể sản xuất (ảnh Đỗ Đạt)

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Là một trong những đơn vị triển khai “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương thông tin, thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thành phố Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua hoạt động này thành phố Hà Nội gắn kết việc quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống.

Trong khi đó, với vai trò được xem là “bà đỡ” cho các chủ thể OCOP trong tiêu thụ, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hàng năm Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương.

Trong bối cảnh tình trạng tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa bền vững, đồng thời cơ chế chưa hấp dẫn thì rất khó thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ. Khắc phục những bất cập này, bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách Trung ương và địa phương. Đồng thời ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

Như vậy, để tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường theo hướng đa kênh, theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng. Việc doanh nghiệp chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, sẽ là lời giải cho “bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP.