Đề xuất bổ sung đối tượng được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài
Trên 142.700 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 Tháng 9/2022, 8.180 lao động đi làm việc ở nước ngoài Loại bỏ rủi ro khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài |
Đề xuất này nằm trong nhóm chính sách về thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, một trong 4 nhóm chính sách lớn trong dự thảo sửa đổi Luật Việc làm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất có chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù. Cụ thể, bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Việc làm quy định 5 nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và thân nhân của người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, số đối tượng thụ hưởng ít, từ năm 2017 đến nay, mới hỗ trợ được 1.785 lao động. Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho một số đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Vì vậy, việc bổ sung các đối tượng trên sẽ giúp người lao động được tiếp cận các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy, ngoài các nhóm đối tượng hiện hành, một số nhóm đối tượng như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án; lao động thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được ưu tiên hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ đánh giá, việc bổ sung thêm một số đối tượng được hỗ trợ sẽ làm phát sinh tăng chi phí hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, tổng nguồn vốn để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 khoảng 570 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 270 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 200 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác: 100 tỷ đồng), bình quân khoảng 115 tỷ đồng/năm.
Bình luận