Đề xuất hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng cầu Cần Giờ
TP.HCM: Đề cử rừng ngập mặn Cần Giờ là khu Ramsar TP.HCM: Đề nghị tăng thời gian hoạt động phà Cần Giờ - Vũng Tàu TP.HCM: Khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh |
Theo Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, địa điểm thực hiện dự án tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, TP.HCM. Về quy mô, cầu Cần Giờ sẽ vượt sông Soài Rạp và phần đường dẫn hai đầu cầu với quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài tuyến khoảng 7,3km; diện tích đất sử dụng để triển khai dự án khoảng 36ha.
Theo phương án kiến trúc, cầu Cần Giờ có kết cấu là cầu dây văng. |
Về hướng tuyến, điểm đầu dự án tại vị trí nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc; điểm cuối dự án kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam).
Dự án được phân chia thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là bồi thương, hỗ trợ, tái định cư phía Nhà Bè (khoảng 426 tỷ đồng); dự án thành phần 2 là bồi thương, hỗ trợ, tái định cư phía Cần Giờ (1.802 tỷ đồng); dự án thành phần 3 là xây dựng cầu Cần Giờ (khoảng 8.341 tỷ đồng, không bao gồm lãi vay).
Về tiến độ, dự kiến việc ban hành quyết định chủ trương đầu tư diễn ra trong quý I/2024; giải phóng mặt bằng, tái định cư hoàn thành trong quý III/2024; lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án trong quý IV/2025; đưa công trình vào khai thác từ quý II/2025 đến quý IV/2028.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 518 tỷ đồng) từ ngân sách Thành phố (khoảng 5.246 tỷ đồng, chiếm 49,63% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay), vốn BOT khoảng 5.323 tỷ đồng (chiếm 50,37%). Thời gian thu phí BOT trong 23 năm 6 tháng (từ năm 2028 đến năm 2051).
Theo Sở GTVT TP.HCM: Cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối trực tiếp huyện Cần Giờ với trung tâm Thành phố cũng như các khu vực lân cận. Góp phần hình thành tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp huyện Cần Giờ với khu vực phía Nam Thành phố, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông nhanh chóng và an toàn của người dân, khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi, an toàn, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch tới huyện Cần Giờ và TP.HCM.
Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ còn có dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, quy mô dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm. Với quy mô như vậy, nhu cầu giao thông kết nối giữa khu đô thị này nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung với trung tâm TP.HCM là rất lớn và cấp thiết. vì thế cầu Cần Giờ sẽ góp phần giải quyết bài toán này.
Bình luận