Đền Mẫu Đồng Đăng - Chốn thờ tự linh thiêng nơi xứ Lạng
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước Cao Bằng Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm du lịch mùa đông đẹp nhất Khám phá thiên đường sinh thái Vườn Quốc gia Ba Bể |
Đền Mẫu Đồng Đăng tọa lạc tại vị trí cửa ngõ phía Bắc, địa hình núi cao, cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng chừng 4km.
Từ xa xưa, nơi đây còn được gọi với cái tên là “Đồng Đăng linh tự”. Theo ghi chép cũ còn để lại tới bây giờ, đền Mẫu Đồng Đăng là một ngôi chùa nằm trong một mái đá tại vị trí sát chân núi (cách địa điểm đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía Đông Bắc). Về sau, chùa được rất nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành trên trên cả nước tới hành hương, không gian thờ cúng ngày càng trở nên chật hẹp, vì vậy nhân dân địa phương đã di chuyển nơi thờ tự sang vị trí như hiện tại.
Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những chốn thờ Mẫu linh thiêng của Việt Nam. |
Ngày nay, đền đã trở nên khang trang, bề thế với khu thờ tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi đây thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm Bồ Tát. Tiếp theo phía ngoài là gian thờ Tam tòa Thánh mẫu bao gồm Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ. Gian thờ bên phải là thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín.
Chính điện là gian thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục. Gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu… Trong đó, đền nổi tiếng là gắn liền với thần tích về Chúa Liễu Hạnh gặp gỡ Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về.
Người xưa ban truyền rằng, Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, có tên là Quỳnh Hoa. Bởi có duyên nợ với trần gian nên bà thường xuyên hiển linh để giúp đỡ nhân dân, được triều đình (thời Hậu Lê) sắc phong là Thượng đẳng Phúc thần và công chúa Liễu Hạnh. Không chỉ thường xuyên hiển linh giúp đỡ nhân dân, bà còn thường ngao du sơn thủy trên nhiều vùng miền. Nhân một ngày dừng chân trên mảnh đất Lạng Sơn, nơi sở hữu phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp, công chúa Liễu Hạnh quan sát thấy trong khu rừng rậm rạp có một ngôi chùa bị bỏ hoang, tượng Phật không hề có ai hương khói.
Khi gặp Phùng Khắc Khoan, công chúa Liễu Hạnh đã khéo léo nhắc nhở Trạng Bùng tiến hành tu sửa ngôi chùa. Nhận được lời đề nghị từ công chúa Liễu Hạnh, Phùng Khắc Khoan triệu tập toàn bộ những bô lão trong vùng, giao cho tiền và công việc để tu sửa ngôi chùa. Kể từ đó, nhân dân vùng Đồng Đăng đã thường xuyên hương khói thờ Phật và thờ Mẫu Liễu Hạnh. Theo thời gian, ngôi chùa xứ Lạng này đã trở thành ngôi đền, nơi thờ cả Phật và Mẫu vô cùng linh thiêng.
Hằng năm, Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng với các hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng cầu mong sự may mắn, an bình, thịnh vượng, cùng với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu các môn thể thao truyền thống...
Vào ngày Hội, nhiều du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước (đặc biệt là khách Trung Quốc) cùng đến đền Mẫu Đồng Đăng dự lễ, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức tại đây và thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Trải qua bao thăng trầm, bão táp, đền Mẫu Đồng Đăng vẫn luôn lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật đặc sắc, trở thành tâm điểm đến nổi bật trong hành trình du lịch tâm linh nơi tại các ngõ phía Bắc của nước ta, lưu giữ đậm sắc bản chất văn hóa của những dân tộc xứ Lạng.
Bình luận