Từ 1/3, ngừng kết nối điện thoại di động 2G không hợp chuẩn Tắt sóng 2G để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia Nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Hiện nay, người dùng di động đã sẵn sàng mua các phiên bản nâng cấp cho các gói di động để nâng cao trải nghiệm sử dụng nếu mạng đạt chất lượng cao. Lưu lượng truy cập dự kiến sẽ gia tăng đáng kể, cho phép các nhà mạng tối đa hóa giá trị, điều này dẫn đến việc ngày càng nhiều nhà mạng đặt mục tiêu chiến lược trong việc xây dựng mạng 5G chất lượng cao.

mangdidong5G
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tính đến cuối năm 2023, hơn 300 mạng 5G thương mại đã được triển khai trên khắp thế giới. 5G đang phát triển với tốc độ tăng trưởng quy mô người dùng toàn cầu cao gấp 7 lần so với 4G cùng thời kỳ.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Về hạ tầng số, phấn đấu đến năm 2025, mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.

Mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.

Hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, với tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng, 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực.

Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Hệ thống mạng phát triển cũng là tiền đề nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững. Chia sẻ tại tọa đàm “5G - Xây dựng thành phố thông minh sẵn sàng phát triển cho tương lai” trong khuôn khổ hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban chuyển đổi số - Tổng Công ty viễn thông MobiFone cho biết: Vận hành được những thành phố thông minh đòi hỏi phải có những hệ thống mạng có thể đảm bảo cho hàng triệu hay thậm chí là hàng tỷ kết nối với lưu lượng khổng lồ và tốc độ phản hồi tức thời.

5G là nền tảng gắn kết giúp thành phố thông minh phát triển bền vững, 5G cho phép tạo ra một cơ sở hạ tầng được kết nối, đồng thời giúp việc thực hiện khắc phục thảm họa nhanh chóng và an toàn hơn.

Theo đó giải pháp thành phố thông minh cho các tỉnh/thành là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu cấp Thành phố, nền tảng số theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đầu tư xây dựng hạ tầng số, nền tảng số phủ sóng 5G, 4G toàn Thành phố; xây dựng đô thị thông minh; trung tâm điều hành đô thị thông minh; camera giám sát, họp trực tuyến…

Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban chuyển đổi số - Tổng Công ty viễn thông MobiFone chia sẻ: “Tháng 6/2022, MobiFone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép 5G tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang… MobiFone đang trong giai đoạn đấu giá băng tần 5G thương mại dịch vụ 5G trên toàn quốc, năm 2024, Mobifone sẽ đầu tư cho 5G tại Hà Nội”.

Chia sẻ về những thách thức và cơ hội phát triển 5G tại thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, từ năm 2019, hai nhà mạng Viettel và Vinaphone đã triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Hiện đã có gần 100 trạm BTS 5G của hai nhà mạng này ở Thủ đô. Trong năm 2024, theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ngắt sóng 2G, hạ tầng cho 5G đã sẵn sàng và cơ sở pháp lý cho 5G của Hà Nội cũng đã đầy đủ.

Hạ tầng của Hà Nội đảm bảo đầy đủ và đa dạng theo phương châm dùng chung. Hà Nội hiện có gần 12.000 trạm BTS, trong đó khoảng 30% số trạm là các trạm dùng chung. Việc thúc đẩy quá trình triển khai 5G sẽ góp phần vào quá trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.