Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động Nhiều lao động được tuyển dụng với mức lương hấp dẫn Nhiều ngành nghề tăng cường tuyển dụng
Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động
Doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp người lao động. Ảnh: AT

Tìm đến công ty “săn đầu người”

Bà Đào Lan Phương - Quản lý nhân sự Công ty TNHH Intops Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) - chuyên sản xuất linh kiện điện tử - cho biết, đơn vị đang cần tuyển dụng các vị trí kỹ thuật viên thiết lập chương trình, quản lý kỹ thuật CNC. Tuy nhiên, do công ty ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ứng viên muốn tìm công việc quanh Hà Nội, nên dù đơn vị đưa ra mức lương, chế độ hấp dẫn... vẫn rất khó tuyển.

Bà Phương cho biết: “Chúng tôi phải tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau như: Mạng xã hội, các trang việc làm hay đăng tuyển tại các khu công nghiệp. Còn với những ứng viên thuộc quản lý cấp cao, doanh nghiệp sẽ sử dụng dịch vụ tìm kiếm qua các công ty săn đầu người”.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Cap Global tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, doanh nghiệp cũng đang cần tuyển quản lý sản xuất với mức lương khởi điểm từ 8 - 15 triệu đồng, nếu kỹ năng tốt trong quá trình làm việc ứng viên có thể nhận mức lương từ 20 - 30 triệu đồng.

Đơn vị này yêu cầu ứng viên nói được tiếng Hàn tốt và thành thạo kỹ năng quản lý. Mặc dù hằng năm vẫn có lực lượng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc về nước song chủ yếu là lao động trực tiếp nên vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, đơn vị này rất khó tuyển dụng lao động có trình độ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 137.326/160.000 người lao động. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với 633 đơn vị, doanh nghiệp tham gia.

Chênh lệch cung-cầu

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, thời gian qua đơn vị này có nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến thị trường lao động, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh tại các địa phương phía Nam đã có một lực lượng lớn lao động dịch chuyển về quê. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi, các thị trường dần sôi động trở lại, từ đó khiến một số địa phương thiếu lao động cục bộ.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây cũng là thực tế bình thường, bởi lẽ trong giai đoạn phục hồi, người lao động trở về địa phương có thể đã tìm kiếm được việc làm. Riêng tại Hà Nội, theo quan sát của trung tâm, mặc dù cũng có sự thiếu hụt lao động song điều này là quy luật của thị trường lao động, bởi rất khó đòi hỏi sự tiệm cận giữa cung và cầu.

“Hai bên vẫn đang tìm kiếm nhau, đó là lý do vì sao vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu, hay cung không gặp cầu và ngược lại” - ông Thành nhận định.

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc.

Qua tiếp nhận các đơn hàng từ phía doanh nghiệp với nhu cầu rất đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, vị trí việc làm, đơn vị dự báo ngoài nhóm ngành sản xuất ra, một số đơn vị tuyển dụng số lượng lớn sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin.

Bộ LĐTBXH cho hay, thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh, về cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, có thiếu lao động cục bộ nhưng không nhiều.

Theo Anh Thư/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-gap-kho-trong-tuyen-dung-lao-dong-1079416.ldo