Hội thi Thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2 Hiện thực giấc mơ an cư của công nhân Nâng cao vai trò Công đoàn trong phòng, chống tai nạn lao động

Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023, nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới các chế độ, chính sách mới, kiến thức về an toàn lao động, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn vệ sinh lao động”.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Đại biểu tham dự buổi đối thoại, giao lưu.

Đến dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.

Buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến còn có sự tham dự của đại diện các Ban LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, CNVCLĐ ngành Xây dựng Hà Nội.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Đông đảo đoàn viên, công nhân lao động có mặt từ sớm trước khi buổi đối thoại, giao lưu chính thức bắt đầu.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, CNVCLĐ có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiền lương, pháp luật lao động và an toàn lao động gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

14h10: Các đại biểu và CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến thưởng thức một số tiết mục văn nghệ do CNVCLĐ ngành Xây dựng Hà Nội biểu diễn.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Các tiết mục ca nhạc do đoàn viên, người lao động Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thể hiện.

14h20: Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Tiền lương và an toàn lao động là hai mảng vấn đề quan trọng bậc nhất đối với mỗi người lao động (NLĐ). Tiền lương là sự trả công tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Và sự an toàn trong lao động là điều đầu tiên họ mong ước khi bắt tay vào công việc. Đối với ngành Xây dựng, là một ngành đặc thù, công việc khó khăn, vất vả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao thì các chính sách, quy định để bảo đảm thu nhập và bảo đảm an toàn lao động luôn là vấn đề thời sự, được NLĐ quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, đặc biệt với lĩnh vực xây dựng, do đó Nhà nước, cơ quan chức năng phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, với người sử dụng lao động, NLĐ, do bận rộn, do nhận thức hoặc một điều kiện khách quan nào đó mà có không ít người còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc cập nhật các quy định, chính sách mới có ảnh hưởng đến chính quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bao gồm cả các vấn đề về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi đối thoại.

“Nhằm cập nhật kịp thời những kiến thức pháp luật mới được điều chỉnh liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nhất là chính sách tiền lương để góp phần cho chính sách được thực thi hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NLĐ; đồng thời trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và NLĐ về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, trong buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề là “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết thêm, để buổi Đối thoại giao lưu đạt hiệu quả thiết thực, Ban Tổ chức đã mời các vị khách mời là các chuyên gia đến từ Sở Nội vụ, Đoàn Luật sư Thành phố và LĐLĐ Thành phố. Họ là những người tham gia hoạch định, triển khai thực hiện chính sách pháp luật, vừa am hiểu sâu sắc kiến thức pháp luật vừa có kinh nghiệm thực tiễn sâu dày trong triển khai chính sách, sẵn sàng trả lời, giải đáp những vấn đề mà đoàn viên, NLĐ quan tâm.

14h30: Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Để thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, trong những năm qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị; có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả; triển khai thực hiện nhiều hoạt động với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu.

Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho NLĐ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.

Hàng năm, Công đoàn ngành tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Luật Lao động; tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến và tư vấn pháp luật cho gần hàng nghìn đoàn viên; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại 20-50 % đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ…

“Hôm nay, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến về pháp luật lao động cho CNVCLĐ. Tại diễn đàn này, NLĐ sẽ được các chuyên gia tư vấn, giải đáp những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ, các chế độ chính sách mới về tiền lương, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… Qua đó, nắm rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để có thể bảo vệ được mình khi tham gia quan hệ lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.

14h40: Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nêu rõ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho NLĐ.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến.

Phát huy thế mạnh của mình, Báo Lao động Thủ đô với chức năng là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ Thành phố, diễn đàn của CNVCLĐ đã tích cực tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và công nhân lao động quan tâm. Nhất là về chế độ chính sách pháp luật, chế độ tiền lương, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá cao và biểu dương Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến hướng về cơ sở. Chủ đề “Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn vệ sinh lao động” hôm nay Ban Tổ chức lựa chọn thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên và NLĐ đảm bảo được quyền lợi của mình và đặc biệt là được làm việc trong môi trường an toàn. Để NLĐ có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

“Tôi đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình. Các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên, NLĐ. Báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà NLĐ quan tâm”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Lãnh đạo tặng hoa các chuyên gia.

14h45: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, NLĐ

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Các chuyên gia tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

* Chị Đỗ Thị Huyền, công nhân Công ty môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm, hỏi:

Trong một năm chúng tôi rất thiếu lao động nên không thể nghỉ phép. Vậy có thể chi trả chế độ phép hay không?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Chị Đỗ Thị Huyền - Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Nếu người sử dụng lao động không bố trí được ngày nghỉ phép cho NLĐ, có sự thoả thuận nhất trí giữa 2 bên, thì được phép chi trả bằng tiền với mức bằng 300% tiền lương theo hợp đồng lao động.


* Anh Đỗ Tiến Thuần, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Đống Đa, hỏi:

Trong quá trình làm việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm như thế nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Anh Đỗ Tiến Thuần - Công nhân Công ty Môi trường đô thi Hà Nội chi nhánh Đống Đa đặt câu hỏi.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định như sau: Thanh toán 100% chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động. Trả đầy đủ tiền lương trong thời gian NLĐ nghỉ việc 3 tháng.

Sau khi NLĐ ổn định, giám định sức khỏe đầy đủ, căn cứ vào tỷ lệ giám định sức khỏe đó doanh nghiệp chịu chế độ bồi thường tai nạn lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ để giải quyết chế độ bảo hiểm cho NLĐ.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của công nhân lao động.

* Chị Đỗ Thị Huyền, công nhân Công ty môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm, hỏi:

Chúng tôi hưởng lương theo đơn hàng đặt theo gói thầu của Thành phố. Tới đây theo sự điều chỉnh mức lương tăng thì chúng tôi có được tăng lương không?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Việc hưởng lương của các chị tuân theo Bộ luật Lao động, ko phải theo lương của công chức, viên chức. Tới đây, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Lương của NLĐ bao nhiêu phụ thuốc vào mức lương của NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận. Tuy nhiên không được thấp hơn mức tối thiểu vùng.


* Chị Nguyễn Thị Hồng, Urenco2, Xí nghiệp môi trường Chi nhánh Hoàn Kiếm, hỏi:

Thành phố đang triển khai gói thuê trọ cho công nhân, trong đợt dịch công nhân có được hỗ trợ tiền thuê nhà, cho tôi hỏi hiện Nhà nước và Thành phố có thêm các chế độ gì hỗ trợ cho công nhân hay không, các thủ tục làm như thế nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân - Công nhân Công ty Môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Luật sư Nguyễn Văn Hà:

Sau dịch Covid-19, nhà nước có chế độ chính sách liên quan đến tiền thuê nhà để động viên công nhân trở lại sau làm việc. Hiện, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nên chế độ chính sách này cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Do đó trong trường hợp này, NLĐ nên chung tay cùng đơn vị để cùng nỗ lực vượt qua khó khăn. Tin tưởng rằng trong tương lai, nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ cho NLĐ.


* Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, Urenco 13, hỏi:

Trong quá trình làm việc, nếu NLĐ phát hiện môi trường làm việc có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn lao động. Làm cách nào để tôi từ chối công việc đó?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, NLĐ có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.


* Chị Ngô Thị Quang, Urenco 4, Chi nhánh Đống Đa, hỏi:

Tôi bị TNLĐ năm 2017, mất 35% sức khỏe, khi về hưu, tôi được hưởng những chế độ gì?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Năm 2017 công ty đã xác nhận TNLĐ thì chị sẽ được hưởng các chế độ theo luật. Trước đó, tôi đã nói về trách nhiệm của NSDLĐ trong trường hợp này như: thanh toán các chi phí điều trị không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả; bồi thường cho NLĐ sau khi NLĐ điều trị ổn định TNLĐ…

Hiện nay, với trường hợp của chị, mỗi tháng chị đã hưởng chế độ là trên 500.000 đồng thì chị hưởng đến hết đời, khi về hưu, vẫn được hưởng số tiền này.

Còn về chế độ làm việc, nghỉ hưu, nếu chị suy giảm 61% thì chị sẽ xem xét về hưu sớm trước 5 năm, tuy nhiên, chị mới 35% thì vẫn làm việc bình thường. Nếu chị cảm thấy sức khỏe không ổn định, chị có thể đi giám định lại sức khỏe, nếu trên 61% chị vẫn được về hưu sớm trước 5 năm.


* Người lao động hỏi:

Theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về ban hành chính sách cải cách tiền lương thì từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Trong đó những người làm trong lĩnh vực độc hại có mức phụ cấp riêng, tuy nhiên với công nhân môi trường chúng tôi tiền công được tính khoán theo định mức công việc theo đơn giá đặt hàng, vậy có phù hợp hay ko, liệu có sự điều chỉnh nào theo mức tăng lương của nhà nước hay không? Trong đơn giá không có tiền độc hại nhưng NSDLĐ bắt buộc chi trả tiền bỗi dưỡng độc hại cho NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Anh Vũ Đình Trường - Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Đống Đa, đặt câu hỏi.

- Chuyên gia Vũ Minh Huyền:

Nghị quyết 27 cải cách tiền lương là chủ trương lớn, từ chủ trương đó Chính phủ sẽ có các văn bản cụ thể là các Nghị định hướng dẫn về các nội dung này. Tuy nhiên hiện nay đang phải kéo dài lộ trình vì một số lý do.

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

Việc chi trả lương theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vậy chưa khuyến khích được vai trò NLĐ trong cơ quan sự nghiệp hành chính, các cấp chình quyền do đó có việc phân tách cụ thể việc hưởng lương đó, không có khái niệm hưởng lương đồng đều như nhau ở các vị trí khác nhau với các trách nhiệm khác nhau.

Việc lương đối với NLĐ là thoả thuận giữa NSDLĐ với NLĐ theo quy định Bộ luật Lao động. Chúng tôi sẽ tiếp thu những nội dung chị nêu và có ý kiến với các cấp, ngành Thành phố để xác định lại đơn giá cho phù hợp.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Vì ý kiến trong đơn giá không có tiền độc hại nhưng NSDLĐ bắt buộc chi trả tiền bỗi dưỡng độc hại cho NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nội dung này Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố để bổ sung, doanh nghiệp có thêm nguồn chi trả cho NLĐ.


* Anh Vũ Đình Trường, quận Đống Đa, hỏi:

Tôi có người chị sinh năm 1970, theo luật mới thì sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi, nghỉ sớm có được không? Trường hợp NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe để có thể tham gia lao động, vậy quyền lợi như thế nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Phòng báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi của Ban Tổ chức

- Chuyên gia Vũ Minh Huyền:

Quy định tuổi nghỉ hưu được quy định trong Nghị định 135, với trường hợp nữ mỗi năm sẽ tăng 4 tháng, lấy ví dụ nếu sinh tháng 1 năm 1970 thì sẽ nghỉ hưu tháng 6 năm 2027. Trường hợp cụ thể NLĐ có thể tham khảo tại phụ lục số 1 của Nghị định 135 để có thể tính được chính xác nhất tuổi nghỉ hưu của mình.

Trường hợp NLĐ đến tuổi nghỉ hưu vẫn có nguyện vọng đi làm, thì quyền lợi vẫn được thể hiện trong giao kết hợp đồng lao động. Nếu NLĐ có lương hưu thì có thể thỏa thuận với NSDLĐ để không tham gia đóng bảo hiểm. Còn NLĐ đến tuổi hưu nhưng không có lương hưu thì vẫn có thể tham gia đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ như bình thường.


* Chị Lù Thị Nhàn, Urenco4, hỏi:

Khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động đang trong thời gian thử việc, nếu xảy ra TNLĐ thì họ có được hưởng các chế độ, quyền lợi gì không?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Trường hợp này đã có quan hệ lao động, đương nhiên khi xảy ra các tai nạn lao động doanh nghiệp phải thực hiện các trách nhiệm. Tuy nhiên, tất cả các chế độ không bằng NLĐ đã ký hợp đồng lao động, các chế độ sẽ được tính trên mức độ phù hợp của đối tượng đang thử việc. Lúc này NLĐ chưa tham gia bảo hiểm xã hội, do đó không được hưởng quyền lợi của BHXH.


* Chị Hoàng Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, hỏi:

Công ty tôi hiện có 2 chức danh nghề nghiệp được xác định là nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên hiện nay, Công ty còn một số vị trí như công nhân xử lý chất thải rác, công nhân lò đốt chưa có trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại. Xin các chuyên gia cho hỏi, Công ty cần làm gì để đề nghị các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh danh mục nghề nặng nhọc độc hại nhằm đảm bảo chế độ cho NLĐ?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Chị Hoàng Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đặt câu hỏi.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:

Việc ban hành danh mục nghề nặng nhọc, độc hại thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có nêu rõ các doanh nghiệp có thể rà soát những đối tượng nào thuộc nghề thấy độc hại, nguy hiểm thì đề nghị Bộ nghiên cứu bổ sung vào danh mục. Khi tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu bổ sung vào danh mục.

Vì vậy, với trường hợp cụ thể vừa nêu, trước mắt, Công ty phải tập hợp chức danh công việc, xác định nghề độc hại như thế nào và gửi danh mục đó lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung. Khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung thì NLĐ mới hưởng các quyền lợi.


Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ chính sách mới về tiền lương và An toàn lao động
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

* Bạn đọc gửi câu hỏi trực tuyến:

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động có bắt buộc phải ký kết hợp đồng mới không?

- Luật sư Nguyễn Văn Hà:

Trong trường hợp giữa NSDLĐ và NLĐ đã ký kết hợp đồng lao động, sau đó do nhiều lý do mà điều khoản trong hợp đồng lao động cần sửa đổi thì các bên ký thêm phụ lục hợp đồng. Bộ luật Lao động năm 2012 không có phụ lục hợp đồng nhưng Bộ luật Lao động năm 2019 có phụ lục hợp đồng.


* Một NLĐ hỏi:

Đơn vị của tôi đang sử dụng lao động quá tuổi lao động, tuy nhiên, NLĐ không muốn đóng bảo hiểm xã hội, xin hỏi chuyên gia, đơn vị có phải đóng bảo hiểm xã hội tiếp cho NLĐ không?

- Chuyên gia Nguyễn Văn Dưỡng:

Luật không quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lớn tuổi hay không mà trong Bộ luật Lao động quy định, NLĐ ký hợp đồng trên 1 tháng thì doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô trao quà cho CNLĐ

*Chị Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Urenco3, hỏi:

Người thân của tôi đóng bảo hiểm xã hội được 5 năm giờ muốn quay lại đóng tiếp thì có được tính cộng dồn tiếp không, thủ tục như thế nào?

- Luật sư Nguyễn Văn Hà:

Khi đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa hưởng chế độ một lần, cách quãng thời gian sau đó lại tham gia quan hệ lao động sẽ được tiếp tục đóng nối tiếp bảo hiểm xã hội, đây là điều đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.


* Chị Đỗ Thị Huyền, Urenco2 hỏi:

Công nhân của Công ty môi trường có phòng khám riêng. Tuy nhiên, công nhân ốm, nhà xa muốn đi khám bệnh phải quay lại phòng khám để nhận giấy chuyển viện. Để hưởng chế độ bảo hiểm trong trường hợp này, NLĐ ở xa có cách nào khác không?

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà:

Trong trường hợp của chị hỏi, việc phải có giấy chuyển viện đã quy định, liên quan đến chế độ bảo hiểm, sức khỏe con người. Các cơ sở y tế đã đưa ra những quy định như vậy là cần thiết để giảm thiểu quá tải các bệnh viện tuyến trên. Do vậy, chúng ta phải chấp hành theo quy định. Hoặc người lao động phải tự đi khám tự nguyện, không dùng bảo hiểm.


TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu “Chế độ chính sách mới về tiền lương và an toàn vệ sinh lao động”
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trao quà cho CNLĐ

* Chị Lê Thị Thơm (Urenco 2 chi nhánh Hoàn Kiếm) hỏi:

Một người lao động có thể ký nhiều giao kết hợp đồng lao động với một công ty với các nhiệm vụ khác nhau hay không? Người lao động đã nghỉ hưu vẫn ký giao kết hợp đồng lao động với công ty có bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội không?

- Luật sư Nguyễn Văn Hà:

Trong trường hợp người lao động trong tuổi lao động mà vẫn xác lập quan hệ lao động, quyền và lợi ích các bên sẽ căn cứ theo hợp đồng, việc tham gia bảo hiểm xã hội vẫn phải thực hiện theo quy trình. Trường hợp người cao tuổi tham gia giao kết hợp đồng lao động thì có thể ký hợp đồng có thời gian cụ thể, có lương hưu rồi sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội nữa.

Ý còn lại chị hỏi, một người lao động chỉ được xác lập một hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể giao cho nhiều công việc khác nhau.

16h30: Phát biểu bế mạc cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có khoảng 30 câu hỏi sôi nổi của công nhân lao động liên quan đến các chế độ, chính sách cần thiết đối với NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, BHXH, an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ…

Cũng chính qua buổi Đối thoại, giao lưu này, giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và NLĐ. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô.