Đối thoại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
Đẩy mạnh tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên Tăng cường hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, việc làm |
Thiếu giáo viên mầm non
Đây là năm thứ ba ngành Giáo dục quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng và kịp thời giải đáp những khúc mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học ở các nhà trường. Tùy từng thời điểm, chủ đề đối thoại là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Chủ đề đối thoại năm nay là “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục năm học 2022-2023”.
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo tại Hội nghị là tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Bày tỏ khó khăn của giáo viên mầm non, cô giáo Lê Thị Tuyết Mai (giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hoa) cho biết, thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc gò bó, không có thời gian đi làm thêm. Vì vậy, đời sống của nhiều giáo viên còn khó khăn, một số người đã bỏ nghề để tìm việc có thu nhập cao hơn.
Các nhà giáo phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: ĐVCC) |
Kiến nghị cần có giải pháp nâng cao đời sống cho giáo viên nói chung, trong đó có giáo viên mầm non, theo bà Hoàng Thị Minh Thu (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 9), thời gian đi làm hằng ngày của mỗi giáo viên mầm non từ 9-10 tiếng, ngoài giờ lại dành thời gian thiết kế đồ dùng, đồ chơi để bổ sung nguồn học liệu nhưng đời sống của hầu hết giáo viên rất vất vả.
Chia sẻ với những khó khăn của cấp học mầm non, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, đây là tình trạng chung ở nhiều địa bàn. Sau dịch Covid-19, giáo viên mầm non chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Phòng đã phối hợp với nhiều đơn vị kịp thời hỗ trợ, tặng quà cho các trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, phòng cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non không tạo áp lực cho giáo viên mà luôn lắng nghe, chia sẻ và kịp thời có biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi nhiều nhất cho giáo viên.
Thông tin về tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do mức lương thấp, trong khi giáo viên chịu nhiều áp lực (từ yêu cầu nhiệm vụ, từ dư luận xã hội...). Những năm gần đây, quận Ba Đình luôn ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục với tỷ lệ 60% ngân sách hằng năm. Các điều kiện học tập của học sinh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là một lợi thế lớn đối với ngành GD&ĐT. Tuy nhiên, cấp học mầm non vẫn còn nhiều khó khăn. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân quận có thêm nhiều chính sách thu hút giáo viên về công tác.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Tại Hội nghị, bà Trịnh Phương Linh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ) bày tỏ: Năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục quận Ba Đình có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 3 của thành phố. Phòng GD&ĐT quận có giải pháp nào để giữ vững, tiến tới thăng hạng kết quả này trong năm học 2022-2023. Còn Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh Trần Thanh Việt nêu câu hỏi: Phòng có kế hoạch cụ thể gì để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thời gian tới?
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành hiện nay là triển khai kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng quy định của Luật Giáo dục mới (giáo viên phải có trình độ từ cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ từ đại học trở lên).
Thời gian qua, các nhà trường đã chủ động tạo điều kiện cho giáo viên đi đào tạo để đạt chuẩn. Phòng GD&ĐT quận cũng đã rà soát, xác định còn 64 giáo viên chưa đạt chuẩn và đã có lộ trình cụ thể, riêng năm 2022, cử 39 giáo viên đi học, năm 2023 là 21 người, số còn lại đi học vào năm 2024. Với lộ trình này, đến năm 2025, quận Ba Đình có 100% giáo viên đạt chuẩn, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch của Thành phố giao.
Đáng chú ý, nếu như theo quy định của Bộ GD&ĐT, kinh phí đi đào tạo được sử dụng từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và từ người học thì giáo viên quận Ba Đình được đi đào tạo bằng nguồn ngân sách của quận. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT quận đề nghị các nhà trường tạo điều kiện để những giáo viên đã đạt chuẩn được đi bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn, tuyệt đối không được gây khó dễ cho giáo viên, song cũng cần căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị để bảo đảm duy trì hiệu quả hoạt động dạy học, vừa tạo thuận lợi cho giáo viên. Toàn ngành phấn đấu đạt mục tiêu có 35% số giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn vào năm 2025.
Bình luận