Doanh nghiệp chủ động vượt “sóng lớn” Để nông sản Việt “chắc chân” ở thị trường EU EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thị trường công nghệ Việt Nam

Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Hầu hết, các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…

Chia sẻ tại diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho hay, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

FTA cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
Để phục hồi và phát triển bền vững doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ các FTA

Song song đó, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại song phong, đa phương… Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang diễn ra gay gắt.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông sản trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, trồng trọt ở đâu... Các doanh nghiệp làm nội địa tại Việt Nam dù lớn, nhưng không gắn chặt với các vùng sản xuất, chế biến, trong khi các khách hàng châu Âu rất quan tâm đến phát triển bền vững và truy suất nguồn gốc.

Đại diện Công ty Cổ phần Phúc Sinh cũng cho rằng, để hoạt động có chiều sâu, phát triển bền vững nhằm đáp ứng với nhu cầu mà thế giới đã thay đổi, hoặc có đòi hỏi cao hơn, thì bài toán hiện nay là các công ty phải đầu tư vào trong ngành chế biến, bởi vì nếu không đầu tư chế biến, thì việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn.

Những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ. Điều này được thể hiện từ việc tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế cho tới việc đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA đã ký kết.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi được cấp với trị giá khoảng 61,19 tỷ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Nhờ vậy, trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục là 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19%; xuất siêu tới 4 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng, tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các Hiệp định.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần liên kết chặt trẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Qua đó, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phát triển một cách bền vững nhất.