Gia tăng cuộc gọi "rác" có dấu hiệu lừa đảo
Triển khai thí điểm tổng đài 156 (miễn phí) tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác Đối phó thế nào với những cuộc gọi rác làm phiền? |
Thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra hết sức phức tạp. Thay vì các cuộc gọi không xác định người gọi, chỉ có số điện thoại, các cuộc gọi quảng cáo hiện tại đã gắn mác định danh nhưng với tên gọi rất lạ và vẫn quấy nhiễu người dùng.
Anh Nguyễn Đình Khắc (quận Hà Đông) cho biết, "cuộc gọi rác" có dấu hiệu gia tăng dịp cuối năm và còn gây khó chịu hơn trước đây. Theo anh Khắc, trước đây, các đầu số mọi người vẫn gọi là sim rác hoặc các số gọi đến không xác định được chủ thuê bao (thường sẽ hiển thị dạng: No Caller ID / Private Number / Unknown Caller/ Cuộc gọi riêng tư... ) hay gọi điện với nội dung đòi nợ, mời đầu tư, bảo hiểm… Thì nay, có ngày anh Khắc vẫn nhận được 3 - 4 cuộc gọi lúc thì mời mua bảo hiểm, lúc mời đầu tư chứng khoán quốc tế, sửa chữa máy lọc nước, trung tâm đào tạo tiếng nước ngoài... "Những cuộc gọi kiểu này rất mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc của tôi", anh Khắc bức xúc.
Ngay bản thân người viết, đầu tháng 11/2022 nhận được vô số cuộc gọi từ đầu số như 0916449046, 0816182276, 0902275385... gọi đến với mục đích tư vấn tài chính, thuyết phục rằng đầu tư này khác, sẽ sinh lời, xin phép gửi tài liệu và tư vấn qua Zalo… Không chỉ tư vấn, mời chào đầu tư, nhiều người dùng điện thoại than thở vẫn tiếp tục nhận được cuộc gọi đòi nợ, báo vi phạm giao thông, dọa cắt thuê bao di động…
Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Khoản 2, Điều 13, Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đã quy định rất rõ, "chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo"
Tuy nhiên, đáng chú ý, hiện nay đã xuất hiện tình trạng "lách luật" của các tổ chức, cá nhân thực hiện "cuộc gọi rác" bằng cách thực hiện cuộc gọi định danh (cho có), hoặc gắn mác Call Center, YDK..., kèm theo đó là đầu số Việt Nam.
Để tiếp tục ngăn chặn cuộc gọi rác, từ đầu tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai đầu số 156 để tiếp nhận phản ánh từ người dùng. Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai hình thức: Gửi Tin nhắn hoặc Gọi điện tới đầu số 156.
– Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, trong đó:
+ Với tin nhắn rác soạn tin: S (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
+ Với cuộc gọi cuộc gọi rác soạn tin: V (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656)
+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo soạn tin: LD (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).
– Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn cước) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan;…) theo hướng dẫn của bộ phận tiếp nhận phản ánh.
Bình luận