Giảm nghèo bền vững: Loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ
TP.HCM: Ưu tiên tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở xã hội có pháp lý rõ ràng TP.HCM: Nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh TP.HCM: Lập đoàn kiểm tra các dự án nhà ở xã hội |
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Sở LĐTB&XH TP.HCM, tính đến 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM còn lại hơn 39.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với gần 156.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,55%/tổng hộ dân Thành phố. Trong đó có hơn 21.300 hộ nghèo với 83.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,84% và gần 18.100 hộ cận nghèo, với hơn 72.600 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,71%. Dự kiến đến cuối năm 2023, Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
Kết quả thực hiện các dự án thành phần của chương trình từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã mua và cấp 300.106 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo, với hơn 300 tỷ đồng, trong đó đã cấp hơn 191.000 thẻ cho hộ nghèo, với hơn 142 tỷ đồng. Cấp hơn 87.800 thẻ hộ cận nghèo, với hơn 65 tỷ đồng và cấp hơn 20.600 thẻ diện hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo, với hơn 16,3 tỷ đồng.
Một khu trọ của lao động thu nhập thấp tại phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP.HCM. |
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã hỗ trợ cho hơn 4.600 lượt lao động về mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, với hơn 12,8 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho gần 2.500 lượt lao động hộ nghèo và gần 2.200 lượt lao động là hộ cận nghèo. Riêng chính sách hỗ trợ nhà ở, đến nay TP.HCM đã thực hiện xây mới 299 căn nhà tình thương, với hơn 21,8 tỷ đồng, sửa chữa chống dột 1.191 căn nhà tình thương, với gần 55 tỷ đồng và sửa chữa 128 căn nhà tình nghĩa, với gần 6,5 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, TP.HCM đã tổ chức 174 phiên, sàn giao dịch để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức hộ chuẩn cận nghèo. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 2.000 lao động...
Theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, những chính sách hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo bền vững sẽ giúp cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước và xã hội; đã sắp xếp tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm...
Đặc biệt, quan tâm học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn cùng với sự quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo của phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo và sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của TP.HCM.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, Sở LĐTB&XH TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều của TP.HCM đến cuối năm 2025.
Tăng cường tập trung người lang thang, ăn xin Theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, thời gian qua, tình trạng trẻ em, người lang thang ăn xin vẫn tiếp tục xuất hiện, tiếp diễn ở một số địa phương, trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố. Việc này không chỉ gây mất trật tự và an toàn giao thông, mà còn tạo ảnh hưởng xấu, không thiện cảm đối với người dân trên địa bàn cũng như bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước đến với TP.HCM, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và mỹ quan đô thị nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, Sở LĐTB&XH đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cao điểm công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn. Sau đó, đưa các đối tượng này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội hoặc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần và các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn quản lý, các khu vực có nhiều đối tượng tạm trú, lưu trú và trên các tuyến đường, ngã tư có mật độ giao thông cao, để kịp thời phát hiện, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chăn dắt, dụ dỗ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đi xin ăn để trục lợi, địa phương cần xử lí hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời thực hiện tốt công tác đăng ký tạm trú, lưu trú, xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với các đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn, đảm bảo không để xảy ra tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn, quan tâm hỗ trợ sinh kế cho cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Bình luận