Cơ hội hấp dẫn khi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc Thúc đẩy hợp tác, quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc Đẩy mạnh việc đưa lao động có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc

Trong số hơn 23.400 lao động đăng ký, có 19.228 lao động trong ngành sản xuất chế tạo, 343 lao động trong ngành xây dựng, 1.283 lao động trong ngành nông nghiệp, 2.558 lao động trong ngành ngư nghiệp.

Trước đó, theo thông báo của Bộ LĐTBXH về kế hoạch tuyển chọn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, chỉ tiêu lao động được tuyển chọn được thống nhất với phía Hàn Quốc chỉ hơn 12.000 người. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo (6.344 người), ngành xây dựng (901 người), ngành nông nghiệp (841 người), ngành ngư nghiệp (4.035 người). Như vậy, số lượng đăng ký dự tuyển đã gần gấp đôi so với chỉ tiêu đã được thống nhất.

Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, người lao động đăng ký tham gia Chương trình EPS năm 2023 phải có các điều kiện như: Không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm.

Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng. Trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì đã tự nguyện về nước, trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước.

Hơn 23.400 lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc
Ảnh minh họa

Để đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, người lao động sẽ phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề. Trong đó, người lao động làm bài thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm, gồm 2 kỹ năng nghe hiểu và đọc hiểu, tổng số 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, điểm số tối thiểu đạt yêu cầu qua vòng 1 đối với ngành sản xuất chế tạo là 110 điểm, ngành xây dựng và ngành nông nghiệp là 80 điểm, ngành ngư nghiệp là 60 điểm trên thang điểm tối đa là 200 điểm.

Số ứng viên đạt yêu cầu về tiếng Hàn, được chọn tham dự kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực của các ngành được lựa chọn với số lượng bằng 110% chỉ tiêu của từng ngành được phân bổ theo tiêu chí lấy theo điểm số từ cao xuống.

Để phòng ngừa hành vi gian lận tiêu cực trong kỳ thi, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ giám sát chặt chẽ người lao động làm thủ tục như đối chiếu, nhận diện lao động với thẻ đăng ký dự thi và các giấy tờ tùy thân. Đối với các đối tượng nghi vấn thi hộ: kiểm tra, đối chiếu với đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay trên Thẻ căn cước hoặc Giấy Chứng minh nhân dân; kiểm tra thông tin nhân thân, quá trình đăng ký dự thi của lao động để đối chiếu.

Đơn vị cũng sẽ áp dụng phần mềm tổng hợp dữ liệu tích hợp với máy quét vân tay, theo đó phần mềm sẽ chụp ảnh, lấy dấu vân tay của người lao động dự thi; dấu vân tay của người lao động sẽ được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu và sẽ được sử dụng kiểm tra, nhận dạng người lao động tại các vòng thủ tục tiếp theo như: Kiểm tra tay nghề; tham dự khóa đào tạo định hướng và xuất cảnh. Người lao động không có thông tin nhận dạng trùng khớp sẽ bị dừng làm thủ tục hoặc bị dừng Chương trình. Phần mềm cũng sẽ cảnh báo nếu phát hiện cùng một người trong một đi thi làm thủ tục thi nhiều lần.

Người lao động bị phát hiện có các hành vi tiêu cực sẽ bị lập biên bản và cấm tham gia Chương trình trong thời gian 4 năm.

Năm 2004, Bộ LĐTBXH ký với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (ký gia hạn 2 năm/lần).

Theo Bộ LĐTBXH, tính đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 110.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với thu nhập bình quân 1.800 USD/tháng (số lao động EPS đang làm việc hiện có khoảng 30.000 người trong tổng số 40.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc).