Khai thác sự hữu dụng của trí tuệ nhân tạo trong ngành xuất bản
Ngành giáo dục sẽ thích ứng như thế nào với ChatGPT? TP.HCM: Đổi mới dạy học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo TP.HCM: Giáo viên cần tận dụng tiềm năng của ChatGPT trong giảng dạy |
ChatGPT có đe doạ tác giả "chân chính"?
ChatGPT là một “mô hình ngôn ngữ lớn” được phát triển bởi OpenAI có thể hiểu và giao tiếp bằng ngôn ngữ con người. Có thể nói ChatGPT đã “học” được rất nhiều từ và câu từ sách và bài báo vì vậy nó biết cách ghép từ để tạo thành câu, tạo ra văn bản mới. Nói một cách đơn giản, ChatGPT là một chương trình máy tính có thể nói và hiểu gần như con người.
Theo Reuters, Brett Schickler - một nhân viên bán hàng đến từ thành phố Rochester, bang New York, Mỹ đã sáng tác cuốn e-book tranh minh họa dành cho trẻ em dài 30 trang có hình minh họa có tên "Chú sóc nhỏ khôn ngoan: Câu chuyện về tiết kiệm và đầu tư" chỉ trong vài giờ. Sách có giá bán 2,99 USD (bản online) và 9,99 USD (bản cứng) và anh đã thu về 100 USD. Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng nó đủ để truyền cảm hứng cho Brett Schickler viết những cuốn sách khác bằng ChatGPT.
Tính đến giữa tháng 2, đã có hơn 200 sách điện tử trong cửa hàng Kindle của Amazon liệt kê ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả, bao gồm các cuốn như "Cách viết và tạo nội dung bằng ChatGPT", "Sức mạnh của bài tập về nhà" và tập thơ "Tiếng vọng của vũ trụ". Con số này vẫn đang tăng lên hàng ngày, và Amazon thậm chí còn tạo ra một phân mục mới là sách được viết hoàn toàn bởi ChatGPT. Nhưng do bản chất của ChatGPT và việc nhiều tác giả không tiết lộ họ đã sử dụng nó, nên gần như không thể có được một thống kê đầy đủ về số lượng sách điện tử có thể được viết bởi AI.
Bức tranh có tên Théâtre D'opéra Spatial được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số hôm 29/8 tại triển lãm bang Colorado (Mỹ). Ảnh: Jason Allen. |
Ông Lê Hoàng Thạch, CEO ứng dụng Sách nói Voiz FM cho rằng, trước đây AI là những định nghĩa rất sâu xa, nhưng khi ChatGPT xuất hiện thì nó đã trở nên dễ hiểu và phổ thông hoá hơn đối với mọi người. Dù vậy, máy móc không thể thay thế hoàn toàn được con người trong việc tạo ra nội dung mới và sáng tạo. Do đó, sự kết hợp giữa công nghệ AI và các tác giả vẫn là điều cần thiết để sản phẩm xuất bản đạt chất lượng cao nhất.
"Tôi nghĩ ChatGPT không gây hại cho tác giả mà thậm chí có thể giúp cho các tác giả. Ví dụ, thay vì mất nhiều giờ đồng hồ để tra cứu thông tin về một chủ đề nào đó, thì ChatGPT có thể giúp tác giả tổng hợp thông tin, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Có thể nói, ChatGPT có thể giúp "sơ chế" các thông tin, còn việc của tác giả là "chế biến" các thông tin đó thành một tác phẩm hoàn chỉnh, mang nhiều giá trị về cảm xúc, nhân văn", ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng cho rằng, nếu có việc xuất bản tranh, âm nhạc bằng ChatGPT thì điều này là bình thường, nhưng để có một sản phẩm có giá trị nhân văn, mang lại cảm xúc thì phải do con người tạo ra. Đối với tác phẩm văn học, có thể những có những cuốn sách về kỹ năng, hướng dẫn do ChatGPT tổng hợp và những cuốn sách tương tự do các tác giả dựa trên kinh nghiệm cá nhân để viết ra. Hai cuốn sách này đều có thị trường riêng của mình.
Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA), quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến các tác phẩm được tạo ra từ AI hoặc dựa trên các nền tảng AI như ChatGPT. Tuy nhiên, theo Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022, khái niệm “tác giả” vẫn chỉ có thể là con người tự nhiên, là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.
Theo cách hiểu thông thường, sáng tạo tác phẩm được hiểu là quá trình tác giả trực tiếp sử dụng những kỹ năng của bản thân như viết, vẽ, ngâm thơ, phổ nhạc… nhằm tạo ra tác phẩm thông qua các công cụ như giấy, bút, mực, máy ảnh, thậm chí máy tính, phần mềm… và thể hiện dấu ấn cá nhân như phong cách hội họa, văn phong của tác giả trong tác phẩm. Theo đó, với những quy định pháp luật hiện hành và cách hiểu thông thường về sáng tạo tác phẩm, các tác phẩm do AI tạo ra, mà không có bất kỳ đóng góp đáng kể nào của tác giả là con người tự nhiên bằng các kỹ năng bản thân, và không mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm, thì có thể sẽ không được bảo hộ.
Tận dụng tiềm năng của AI
AI hiện nay đã phát triển, tạo ra nhiều tác phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có mức độ phức tạp cao và có thể sánh ngang với khả năng sáng tạo của con người. Ví dụ điển hình có thể kể tới là bức tranh mạng mang tên “Théâtre D’opéra Spatial” được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật tại triển lãm ở bang Colorado (Mỹ), ngày 29/8/2022. Bức tranh khiến cả thế giới xôn xao và được nhận xét là có những nét vẽ sống động.
Tại Việt Nam, trước thềm Tết Quý Mão, cộng đồng mạng cũng lan truyền một tấm hình đăng tải bởi tài khoản Facebook của anh Bo Nguyên, trông giống ảnh chụp tượng mèo ngoài trời, được đắp bằng các cánh hoa nhiều màu sắc của Ninh Thuận. Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi với tên gọi “mèo Ninh Thuận” và chú mèo này được ví như “hoa hậu mèo” của Việt Nam. Thực tế, cả hai tác phẩm trên đều được tạo ra bởi phần mềm AI Midjourney. Điều này khiến cho lằn ranh của các sản phẩm sáng tạo từ AI và con người ngày càng mờ nhạt dần.
ChatGPT làm thơ về ngày Tết ở Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, trong lĩnh vực nghệ thuật, tài năng và sự độc đáo của mỗi cá nhân con người vẫn hết sức quan trọng trong việc tạo ra giá trị của các tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là điểm khiến các tác phẩm nghệ thuật do con người tạo ra khác biệt với các tác phẩm của AI. Vì vậy, mặc dù AI có thể tham gia sáng tạo nghệ thuật, nhưng khó có thể thay thế con người trong lĩnh vực này.
"AI đã hỗ trợ các nhà sáng chế, nhà nghiên cứu rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu, thông tin, tổng hợp, nghiên cứu... Tuy nhiên, với các giải pháp thực sự có tính mới là bước tiến trong khoa học, kỹ thuật thì vai trò của con người trong việc tìm kiếm, xây dựng ý tưởng, định hướng, lên chương trình nghiên cứu vẫn chưa thể thay thế. Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng trong tương lai vẫn có khả năng AI sẽ trực tiếp tạo ra các giải pháp kỹ thuật độc đáo, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại", ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Tiếp thị và Tăng trưởng Fonos cho biết, Fonos đã và đang ứng dụng ChatGPT vào việc tối ưu vận hành và tăng hiệu suất công việc của tất cả phòng ban. Trong bối cảnh các hoạt động truyền thông, nội dung số và cả phân tích dữ liệu đều có thể tận dụng ưu thế của ChatGPT hay các công cụ chatbot tương tự.
"Tuy nhiên là những người trong ngành công nghệ cũng như có những trải nghiệm, phân tích riêng sau khi ứng dụng Chat GPT, chúng tôi cũng đã nhận ra các phần chưa hoàn thiện của công nghệ này về độ chính xác và tính xác thực của dữ liệu. Việc đó càng khiến chúng tôi cảm thấy thú vị và không ngừng theo dõi các sự đổi mới, cũng như ứng dụng đúng chỗ", bà Nhung chia sẻ.
Bình luận