TP.HCM: Đổi mới dạy học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo
Home Credit lên tiếng về việc Công an kiểm tra trụ sở tại TP.HCM Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2023 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có 3 dự án đạt giải SV_STARTUP 2023 |
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Quý Tỵ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc, các mối quan hệ trong nền kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng kiến thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và các chủ thể trong nền kinh tế.
"Thông qua việc xóa bỏ cơ chế trung gian, xâu chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp, chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi, điện toán đám mây…”, ông Phạm Quý Tỵ chia sẻ.
TS. Phạm Quý Tỵ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến nền kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam. |
Tại hội thảo, GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm, Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên trí tuệ tăng cường với cuộc cách mạng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo với tốc độ phát triển theo cấp số nhân. Nhiều dự báo trước đây về tương lai cần phải suy nghĩ lại và thay đổi.
Ông Kiếm đưa ra 5 siêu công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực hoạt động và cuộc sống của con người gồm: trí tuệ tăng cường; siêu AI và siêu Robot; siêu công nghệ năng lượng mặt trời; siêu internet; siêu công nghệ gen và siêu máy in sinh học.
Theo ông Kiếm, nhiều người đang lo ngại, sự phát triển của Al và Robot sẽ khiến rất nhiều người thất nghiệp. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng vừa cho rằng, trong 5 năm tới, có khoảng 45% công việc không cần kỹ năng cao sẽ bị thay thế bởi AI. Các ngành nghề có thể "rơi vào tay" AI có thể kể đến như: dịch vụ khách hàng, kế toán, dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, dịch vụ giáo dục, sáng tạo và tiếp thị nội dung, tập luyện và dinh dưỡng cá nhân, báo chí, sản xuất âm nhạc, dịch vụ tư vấn... Đáng nói, một số ngành liên quan đến công nghệ như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa cũng có thể bị thay thế.
GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm nhận định, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên trí tuệ tăng cường. |
Tuy nhiên, một số ngành nghề ông Kiếm cho rằng sẽ khó bị thay thế, có thể kể đến như nhân viên y tế, giáo viên, giáo đốc điều hành, mục sư, biên tập viên, giám đốc tiếp thị, bác sĩ tâm thần, nhà khoa học, nhà văn, người phân tích hệ thống máy tính.
"Với cuộc cách mạng công nghệ thông tin và AI đang diễn tiến với tốc độ lũy thừa, đây là lần đầu tiên công nghệ di chuyển rất nhanh, nhanh hơn sự thay đổi thế hệ rất nhiều. Sẽ có nhiều nghề nghiệp mất đi, nhưng cũng có rất nhiều công việc mới ra đời, đặc biệt là những công việc liên quan đến tâm lý, cảm xúc, sáng tạo... đòi hỏi kỹ năng cao, giao tiếp xã hội, phục vụ cho vô vàn nhu cầu mới của con người", ông Kiếm nói.
SIUBOT dẫn chương trình tại hội thảo. |
Ngoài các bài tham luận của các chuyên gia, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm của hàng trăm sinh viên bởi sự xuất hiện của SIUBOT - robot trí tuệ nhân tạo trong vai trò dẫn chương trình. Theo đó, ngoài người dẫn chương trình "bằng da bằng thịt", SIUBOT đóng vai trò là một bạn dẫn, tự di chuyển từ cánh gà ra sân khấu; chào hỏi khán giả và giới thiệu các khách mời trình bày tham luận bằng tiếng Anh. Sau khi chương trình kết thúc, SIUBOT gửi lời chào bằng tiếng Việt với khán giả và giơ tay tạm biệt.
Đại diện Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết, SIUBOT là một trong những siêu robot trí tuệ nhân tạo tân tiến lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Không chỉ làm MC, SIUBOT có thể nhận diện cảm xúc và gương mặt thông quan các camera và trí thông minh nhân tạo, thực hiện nhiều động tác phức tạp thông qua một loạt các hệ thống trục khớp cơ khí và còn có thể giao tiếp đa ngôn ngữ thông qua hệ thống cảm biến âm thanh và các module xử lý âm thanh cùng ngôn ngữ tự nhiên.
Theo ghi nhận, dù chỉ xuất hiện vài lần trên sân khấu, nhưng SIUBOT vẫn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của sinh viên. Nhiều sinh viên cho biết, trên lý thuyết đều biết những việc robot có thể thay thế con người, nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến.
"Em rất bất ngờ và hứng thú với sự xuất hiện của robot trong vài trò là MC dẫn chương trình. Có thể nói, đây là một minh chứng sinh động cho việc trí tuệ nhân tạo đang phát triển và sẽ dần thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Em cũng thấy hơi tiếc vì SIUBOT không được cài đặt để tương tác nhiều hơn trên sân khấu, có thể do thời gian chương trình có hạn", một sinh viên chia sẻ.
Bình luận