Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới Tăng tốc “phủ sóng” bảo hiểm y tế Phát triển làng nghề để nâng cao đời sống của người dân nông thôn

Sau 10 năm triển khai theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công, hệ thống khuyến công trên toàn quốc không ngừng được củng cố và nâng cao cả về chất và lượng, hoạt động kết nối được thống nhất từ Trung ương đến địa phương… Qua đó, góp sức đáng kể phát triển công nghiệp nông thôn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP (Nghị định 45) của Chính phủ về khuyến công, chiều 14/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Sau 10 năm thực thi Nghị định 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Khuyến công: Kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại chương trình

Qua đó, đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tạo ra được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường.

Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; đồng thời, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào hội nhập kinh tế quốc tế…

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 45, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) thông tin: Về công tác chỉ đạo, điều hành, sau khi Nghị định 45 được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai sâu rộng đến các đối tượng, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn cũng nhanh chóng được thực hiện nhằm sớm đưa Nghị định vào cuộc sống.

Hệ thống khuyến công trên toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Khuyến công: Kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Các hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tổ chức đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế công nghiệp nông thôn

10 nội dung hoạt động quy định trong Nghị định 45 tùy theo từng giai đoạn được Bộ Công Thương triển khai phù hợp. Nổi bật, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỉ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Thông qua chương trình khuyến công, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 28 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 3 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Về công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tính đến hết năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức được 6 lần bình chọn cấp khu vực với 1.630 sản phẩm đạt và 4 lần bình chọn cấp quốc gia với 512 sản phẩm đạt. Ngoài ra, các nội dung khác như: Hợp tác quốc tế và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công… cũng đã được triển khai đạt hiệu quả tốt.

Đáng kể, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua là 19.082 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở...

Qua 10 năm triển khai, Nghị định 45 đã được chứng minh về tính hiệu quả, từ thực tế địa phương, tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam khẳng định: Thời gian qua, hoạt động khuyến công được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các cơ sở công nghiệp nông thôn và được đánh giá cao.

Khuyến công: Kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Qua 10 năm triển khai, Nghị định 45 đã tạo được sự kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Để phát huy hiệu quả đạt được của chính sách này, ông Nguyễn Đức Vượng đề nghị: Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ sửa đổi nội dung Nghị định 45 tập trung vào một số nội dung mới như ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ đối với ngành sản xuất chế biến sản phẩm có thế mạnh tại địa phương, những sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; cân đối, bố trí thêm kinh phí khuyến công quốc gia để các địa phương có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các cơ sở công nghiệp nông thôn...

Là địa phương đạt nhiều kết quả trong triển khai công tác khuyến công ở khu vực miền Trung, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: Sau 10 năm thực hiện Nghị định 45, Quảng Ngãi đã triển khai được 85 đề án, từ đó góp sức đáng kể cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai Nghị định địa phương còn vướng một số tồn tại. Trong đó, công tác tuyên truyền về khuyến công chưa sâu rộng; nội dung quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có đề án lớn, trọng điểm; đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn tiềm lực tài chính hạn chế khó ứng dụng máy móc thiết bị mới…

Nguyên nhân, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác còn hạn chế, sự phối hợp của các cấp các ngành trong triển khai công tác khuyến công chưa chặt chẽ. Từ tồn tại trên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: Tiếp tục kế thừa công tác khuyến công đạt được trong thời gian qua để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; quan tâm hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp…

Trước phản ánh của các địa phương, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương thông tin: Về cơ chế chính sách, Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về công tác khuyến công bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữa tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trực thuộc Sở Công Thương tại các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các đơn vị thực hiện.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn trách nhiệm quản lý với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án, nhiệm vụ khuyến công…