[Infographic]: CPI tháng 4 giảm nhẹ so với tháng trước Hà Nội: Nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 Home Credit lên tiếng về việc Công an kiểm tra trụ sở tại TP.HCM

Tín hiệu lạc quan từ bán lẻ

Qua diễn biến tình hình 6 tháng đầu năm 2023 ta thấy có mấy xu hướng chung về giá cả đó là: Chỉ số giá có xu hướng giảm dần, tháng 1/2023 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,55%, tháng 4 tăng 2,81% và tháng 5 tăng 2,43%. Nguyên nhân chính là do giá xăng dầu giảm theo giá xăng dầu thế giới khi giảm 18,27%.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng đó là: Giáo dục tăng 7,95% so với cùng kì do học phí tăng trở lại ở một số địa phương. Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% do giá nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra còn văn hóa giáo dục và du lịch tăng 3,74% do nhu cầu du lịch đã bắt đầu vào vụ. Các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6% chủ yếu tăng trong dịp Tết vừa qua, ngoài ra giá gạo trong nước tăng do gia xuất khẩu tăng. Tóm lại giá cả 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm nhiều hơn tăng, nhất là xu hướng giảm của những mặt hàng là đầu vào của toàn xã hội, nếu giá cả tiếp tục diễn biến theo chiều hướng của 6 tháng qua thì có lợi cho tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Kích cầu tiêu dùng: Nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường 6 tháng đầu năm

Các chương trình kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua xã hội giúp chỉ số CPI 6 tháng đầu năm tăng

Mặt khác chúng ta đều biết, nói đến giá cả không thể không nói đến bán lẻ trong 6 tháng vừa qua, đồng thời tiêu dùng là một trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế (xuất khẩu đầu tư và tiêu dùng), nếu chúng ta kích thích được tiêu dùng tăng doanh số bán lẻ sẽ có lợi cho vòng 2 của sản xuất, khi sản xuất đã phát triển sẽ phát sinh thu nhập và sức mua xã hội, đó là một vòng tuần hoàn tất yếu đem lại những lợi thế trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế của đất nước chính vì vậy chúng ta hãy phân tích sâu hơn về lĩnh vực này.

Theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10,9% so với cùng kì năm trước, đó là một con số đáng khích lệ trong điều kiện còn nhiều khó khăn để khai thác tối đa sức mua của thị trường.

Theo chiến lược phát triển bán lẻ của bộ công thương thì đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, bán lẻ Việt Nam phải đạt được mức tăng trưởng bình quân từ 13% đến 14%/năm. Chính vì vậy với những kết quả đã đạt được vừa qua là cố gắng, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định làm cho chúng ta chưa hài lòng, trong giai đoạn tới cần phải khai thác mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng của bán lẻ, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và những cản trở cho sự tăng trưởng hằng năm của mặt trận kinh tế quan trọng này.

Chúng ta hãy đi tìm những tiềm năng còn bỏ ngỏ và cả những trở ngại của việc tăng doanh số bán lẻ hiện nay, để tìm ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả cho bước phát triển mới.

Đầu tiên chắc chắn là phải quan tâm đến đó là vấn đề sức mua xã hội: Quan sát trên thị trường hiện nay ai cũng thấy rõ, nhiều điểm bán siêu thị đặc biệt là các trung tâm thương mại và các diện tích kinh doanh dịch vụ của các cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng đều bị thu hẹp, trống vắng khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại kênh truyền thống, doanh số bán hàng bị giảm mạnh, chợ có ít người vào mua hàng hơn so với mấy năm trước đây, do sức cạnh tranh yếu hơn bán lẻ hiện đại và còn ít được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức quản lý, mặc dù chợ đảm nhiệm đến 80% các mặt hàng thiết yếu, tươi sống cho tiêu dùng.

Về cơ cấu tiêu dùng, do thu nhập còn tiếp tục khó khăn trong các tầng lớp dân cư cho nên các gia đình chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu hàng ngày, dành tiền cho tiết kiệm và dự phòng chung. Trên thị trường mặc dù có liên tục các đợt khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo hàng hóa, song sức mua cũng không tăng trưởng được nhiều so với trước khuyến mại. Đó là thực trạng của hệ thống phân phối của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra sức mua giảm sút còn bị tác động ở một số nguyên nhân khác như: Mức thuế giá trị gia tăng (VAT) tiêu dùng đang thực hiện hầu hết là 10% được cho rằng còn khá cao. Hàng hóa của Việt Nam khi thực hiện việc mua bán qua quá nhiều khâu trung gian làm đẩy giá lên từ 30 - 40%, có khi tăng gấp đôi gấp ba. Chính vì vậy, giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng cao vô lý và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm chưa giải quyết, đây cũng là một nút thắt làm cho sức mua bị ảnh hưởng lớn, điều này còn ảnh hưởng ngược lại đến sức sản xuất đang ngày một phát triển mạnh mẽ nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, có lúc gây ra ứ đọng phải giải cứu.

Doanh số bán lẻ chung còn bị kìm hãm bởi vì trên thị trường hàng rởm, hàng giả, nạn cân đo đong đếm không trung thực đã vừa vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vừa làm ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng hóa có chất lượng vừa làm cho sức mua cũng bị hạn chế, điều này gây tâm lý lo ngại trong việc mua hàng của từng gia đình. Về lâu dài, chúng ta còn thấy ở góc độ sản xuất, do công nghiệp chế biến còn thấp, chính vì vậy giá trị tăng thêm bị hạn chế, doanh số của một đơn vị hàng hóa không tăng lên được là bao.

Một ví dụ cụ thể ở thị trường hoa quả năm nay: Vải thiều Bắc Giang có hạt chỉ bán được bình quân 2,025 nghìn đồng/kg, trong khi đó vải thiều không hạt ở Thanh Hóa được đầu tư khoa học kĩ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo tiếp thị… thì sẽ bán được 600 - 700 nghìn/kg… Như vậy một khi chúng ta chịu khó nghiên cứu, đổi mới và đầu tư chiều sâu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất thì khi tiêu thụ hàng hóa chắc chắn doanh số bán lẻ sẽ tăng lên gấp bội, từ đó doanh số bán lẻ của hàng hóa Việt sẽ được tăng lên trong những năm tới.

Một vài năm nay chúng ta nói đến nhiều cụm từ: “Chia sẻ, hài hòa lợi ích”, trong thực tế, doanh số bán ra tăng hay giảm phụ thuộc vào cụm từ hết sức nhân văn này, bởi có những hiện tượng của một số đơn vị cá nhân kinh doanh bán lẻ mang tính độc quyền, ép giá mua, nâng cao giá bán, chỉ biết thu lợi nhuận tối đa cho mình nên đã làm giảm sức mua, giảm doanh số mà chưa có những bàn tay quản lý Nhà nước hỗ trợ, chia sẻ, làm trọng tài hoặc can thiệp. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam trong một vài tháng gần đây đã phải nói lên thực trạng không đáng vui này.

Kích cầu tiêu dùng: Nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường 6 tháng đầu năm
Nếu được đầu tư khoa học kĩ thuật, chế biến bảo quản, quảng cáo... nông sản sẽ có giá bán tăng lên hàng chục lần so với các sản phẩm cùng loại không được đầu tư kỹ thuật

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua khâu bán lẻ cho chúng ta thấy: Bộ rất quan tâm đến vấn đề tăng trưởng doanh số hàng năm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Từ những định hướng trên, cộng thêm những khó khăn ở thị trường ngoài nước hiện nay, rõ ràng việc quay lại thị trường nội địa và tìm mọi cách nâng doanh số bán lẻ một cách thực chất, vững chắc là tất yếu và là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương Việt Nam.

Dự báo giá cả thị trường những tháng cuối năm

Trước hết nếu giá xăng dầu thế giới không có những đợt tăng mạnh, chỉ dao động từ 70-75 USD/thùng, tình hình sản xuất hàng hóa nhất là hàng nông sản thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu có chiều hướng tốt theo dự báo của các chuyên gia. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp có tác động từ quý III/2023, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng được cải thiện… làm cho chi phí của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân có phần dễ chịu hơn.

Trong khi đó, một số chi phí khác như giáo dục, y tế, nước sạch có thể tăng nhưng ở mức độ hợp lý. Giá điện, theo đề xuất tăng lần thứ 2 nên tăng vào quý II/2024 và ở mức 3% như tăng giá lần 1 năm 2023 là hợp lý. Đi đôi với đó là việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách phù hợp. Như vậy khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8 - 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Một số kiến nghị cụ thể để thực hiện chỉ tiêu CPI cả năm: Trước hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Phục vụ các chính sách đúng đối tượng thụ hưởng. Thực hiện kích cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội khi đã giảm thuế VAT 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý.

Tăng cường việc kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện… cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung. Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về một bộ công thương quản lý.

Bên cạnh đó, Nhà nước đảm bảo dự trữ quốc gia xăng dầu bằng hiện vật, quản lý chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trên thị trường xăng dầu; ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ thì doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để vươn lên vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện tại.

Chúng ta tin tưởng rằng nhiệm vụ Quản lý thị trường, giá cả hàng hóa trong năm nay sẽ có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xã hội nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 2023 của Nhà nước.