Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Hungary về kinh tế và thương mại Du lịch sinh thái bền vững: Đòn bẩy phát triển kinh tế

Ngày 28/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.

Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội việc làm mới cho người dân
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: TTXVN/CVN

“Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường, được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, đã nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Nó cũng góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Từ đó, giảm tối thiểu chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

Sự nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nói: “Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan, sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nhu cầu, lịch sử và tham vọng của người dân Việt Nam. Do vậy, chúng tôi vui mừng đồng hành cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển ra mắt Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam".

Kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội việc làm mới cho người dân
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen. Ảnh: TTXVN/CVN

Cũng về nội dung trên, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành SCG Roongrote Rangsiyopash, chia sẻ: “Kinh tế Tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất.

Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt Nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải các-bon ròng bằng không trong tương lai”.

Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam có sự tham gia của lãnh đạo đại diện thành viên Chính phủ, lãnh đạo Ban, ngành, địa phương, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.

Trong đó, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam.

Diễn đàn cũng là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.