Lao động chất lượng cao: Bài toán khó giải của thị trường
Hà Nội: Gần 28.000 người được giải quyết việc làm trong 2 tháng đầu năm Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động |
Cung chưa đủ cầu
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế vẫn đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Hiện tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022 tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ chuyên môn đạt 26,2% và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Nâng cao tay nghề để trở thành lao động chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết. |
Vì thế nên, không khó hiểu khi những lao động phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn là đối tượng chính trong các đợt cắt giảm nhân sự, đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc. Trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc. Đáng chú ý, lao động trong các doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam, như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn rất chật vật để tìm được lao động chất lượng cao dù đã tăng lương/thưởng và chế độ đãi ngộ. Trong một khảo sát của Manpower Group Việt Nam, có khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động có kỹ năng, tay nghề cao trong các doanh nghiệp nói chung chỉ đạt khoảng 11% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn; chỉ có 5% lao động có trình độ tiếng Anh. Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại khi thực hiện mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để nâng cao chất lượng lao động, từ lâu Việt Nam đã xây dựng chính sách thông thoáng và tạo điều kiện cho xuất khẩu lao động nhằm giải quyết việc làm và học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho lao động tại các nước phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả đạt được chưa cao. Một số lao động tận dụng cơ hội đi nước ngoài làm việc để tranh thủ làm giàu cho bản thân mà không chú tâm nâng cao tay nghề để trở thành lao động chất lượng cao khi về nước; số ít những lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề cao lại tìm cơ hội ở lại định cư tại nước ngoài. Chưa kể, các nước nhập khẩu lao động đa phần tìm kiếm lao động đảm nhiệm các công việc phổ thông.
Chủ động đào tạo và nâng cao chất lượng
Để đạt được các mục tiêu đặt ra về nâng cao chất lượng lao động, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt với những ngành công nghệ cao; tăng cường triển khai các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực lâu dài.
Nhận thức rõ điều này, một số doanh nghiệp đã chủ động tạo ra nguồn lao động chất lượng cao cho riêng mình. Đơn cử, Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư tạo dựng Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cầu nối chuyển giao công nghệ cao, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững. EIU được xác định là trọng tâm để xây dựng nhiều hệ sinh thái nhỏ cùng hòa quyện với nhau giữa các trường đại học, qua đó làm rõ vai trò trách nhiệm của mỗi bên trên nền tảng mô hình 3 nhà gồm: nhà khoa học (nhà trường) - nhà nước - nhà doanh nghiệp. Cùng với các trường đại học khác, EIU sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và “thu hút nguồn nhân lực hàm lượng chất xám cao đến địa phương”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cho biết.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xác định, tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động là một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Cùng với đó là triển khai đào tạo thí điểm chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; hợp tác với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Quy mô tuyển sinh, đào tạo, theo trình độ đào tạo đến năm 2030, đạt từ 3.800.000 đến 4.000.000 lượt người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25-30%.
Theo Hương Giang/thoibaonganhang.vn
https://thoibaonganhang.vn/lao-dong-chat-luong-cao-bai-toan-kho-giai-cua-thi-truong-136794.html
Bình luận