Chủ cơ sở mầm non có thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc? Tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, cơ quan soạn thảo đã thống nhất bổ sung điều khoản chuyển tiếp, quy định trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể nghỉ hưu sớm trước tuổi.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021, và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên, thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

So với Bộ luật Lao động năm 2019 về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, những người này cũng về hưu sớm hơn 2- 5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021. Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam, và 60 tuổi đối với nữ.

Chỉ những trường hợp lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), mới có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp). Như vậy, so với quy định hiện hành, người lao động sẽ được lợi hơn khi nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ 2%.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản
Cán bộ Bảo hiểm xã hội Hà Nội tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện đến lao động tự do. Ảnh minh họa: Minh Ngọc.

Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 2 chế độ là hưu trí và tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Để có cơ sở đề xuất từng bước mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ khác theo chủ trương tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành nghiên cứu Đề án về gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, trong đó có chế độ ốm đau, thai sản và chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em.

Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện về đặc điểm, tính chất của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, khả năng quản lý rủi ro, tránh trục lợi, ..., đặc biệt là tính khả thi trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã lựa chọn bổ sung chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Như vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và khuyến khích các địa phương hỗ trợ thêm), còn bổ sung chế độ thai sản đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con do ngân sách nhà nước đảm bảo, người lao động không phải đóng thêm so với hiện hành.

Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản khi sinh con (đối với lao động nữ); có vợ sinh con (đối với lao động nam) và đáp ứng đủ điều kiện về đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên, trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng mức hưởng trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh.

Để khuyến khích người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài bổ sung các quy định như được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, dự thảo Luật cũng tiếp tục quy định như Luật hiện hành, về việc người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng.

Họ cũng có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng, hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã có quy định về nguyên tắc để hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngân sách nhà nước, và khuyến khích các địa phương tuỳ khả năng hỗ trợ thêm.

Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 30%, 25%, 10%, theo thứ tự từng nhóm đối tượng tương ứng là thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo, và các đối tượng khác.

Theo quy định hiện hành thì căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cơ quan soạn thảo cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm hấp dẫn người dân tham gia.

P.Diệp