ASEAN cam kết tăng cường bảo vệ người tiêu dùng Doanh nghiệp cần tiếp cận nhanh với kinh doanh và xuất khẩu trực tuyến Cách nào ngăn chặn hàng giả trên không gian mạng?

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa công bố dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này. So với thời điểm nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015, trị giá thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo số liệu của Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website nước ngoài đã tăng từ 36% năm 2020 lên mức 43% trong năm 2021. Đáng lưu ý, tỷ lệ người tiêu dùng có mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các website nước ngoài cũng tăng mạnh từ 49% (năm 2020) lên 56% (năm 2021). Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam cũng tăng từ 41% (năm 2020) lên tới 57% (năm 2021).

Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… đã tăng lên 57% vào năm 2021, so với con số 41% vào năm 2020. Số lượng doanh nghiệp có trên 50% lao động sử dụng các ứng dụng từ nhà cung cấp nước ngoài trong công việc như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… cũng chiếm tới 44%. Mạng xã hội được tích hợp phổ biến nhất trên website, ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là Facebook với 62,1% thị phần.

Những số liệu trên phần nào cho thấy bức tranh thương mại điện tử nói chung và giao dịch xuyên biên giới nói riêng trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Lượng người tiêu dùng Việt mua hàng qua các website nước ngoài tăng mạnh
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, các tổ chức như Google, Facebook, Microsoft… đã khai nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.432 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Những đặc trưng của nền kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của nó đã mang lại tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Đó là những khó khăn liên quan đến việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp, việc xác định căn cứ tính thuế, phân biệt loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền…

Để giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số, năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Thông tư số 100/2021/TT-BTC trong đó có nội dung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý thuế đối với hoạt động này.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch tổng thể triển khai đề án “Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam”. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử ngành thuế, cơ quan thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay; tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tiếp tục nghiên cứu một số đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử…

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước... để chia sẻ thông tin, nghiên cứu phương án, giải pháp quản lý hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đáng lưu ý, từ tháng 3/2022 Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam. Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.

Theo Minh Ngọc/vnmedia.vn

https://vnmedia.vn/kinh-te/202209/luong-nguoi-tieu-dung-viet-mua-hang-qua-cac-website-nuoc-ngoai-tang-manh-d1611bb/