Mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP
Để ngành blockchain hòa nhập vào nền kinh tế số Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây TP.HCM: Dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân |
Tại huyện Đan Phượng, mặc dù là cây trồng mới nhưng mô hình trồng nho Hạ Đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nho Hạ Đen, ông Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng) cho biết, 600 gốc nho đầu tiên được trồng vào tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 cây bắt đầu cho thu hoạch quả, gia đình ông thu được 3 tấn nho, trừ hết các khoản chi phí giống, phân bón, nhân công... gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, năm 2021 gia đình ông mở rộng diện tích trồng, từ 600 gốc nho ban đầu, hiện tại gia đình ông Hợi có 1.500 gốc trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt 4 - 5 tấn.
Hiện nay nho Hạ Đen được nhiều gia đình tại huyện Đan Phượng đưa vào trồng trên vùng đất nông nghiệp. |
Để sản phẩm nho Hạ Đen có uy tín, chỗ đứng trên thị trường, huyện Đan Phượng đã chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu. Hiện sản phẩm nho Hạ Đen đã được công nhận sản phẩm OCOP.
“So với trồng rau màu, nho Hạ Đen cho thu nhập cao hơn, thời gian thu hoạch lâu. Điều đáng nói là hiện nay, thị trường tiêu thụ nho rất rộng mở, đặc biệt khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ tăng cơ hội mở rộng thêm các thị trường tiềm năng cho sản phẩm. Trồng nho, chúng tôi kết hợp khai thác dịch vụ cho khách tới tham quan, trải nghiệm tại vườn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa mở ra hướng đi mới phát triển du lịch tại địa phương”, ông Hợi chia sẻ.
Tương tự mô hình cây ăn quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh), từ cánh đồng trũng quanh năm ngập trong nước, không thể canh tác, anh Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đã cải tạo thành cánh đồng cây ăn quả trù phú với đa dạng các loại cây ăn quả như đu đủ, táo, ổi, mít…
Nhờ chăm chỉ học hỏi các kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sau khoảng 2 năm, gia đình anh Lâm đã có nguồn thu ổn định. Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, anh Lâm kêu gọi người dân xung quanh thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Được công nhận sản phẩm OCOP giúp mở rộng thêm các thị trường tiềm năng cho các sản phẩm. |
Với sự tin tưởng của khách hàng, hiện nay các sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã có chỗ đứng, thị trường ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm của Hợp tác xã đến với khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố Hà Nội và tiêu thụ tại các địa phương lân cận như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên,…
Để khẳng định chất lượng sản phẩm, năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, 2 sản phẩm ổi lê Đài Loan và đu đủ của Hợp tác xã đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo anh Lâm, việc sản phẩm được đánh giá 4 sao không chỉ giúp Hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn được đông đảo người tiêu dùng biết tới, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm. Theo tính toán, mỗi năm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong có doanh thu từ 600 tới 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều các mô hình được công nhận sản phẩm OCOP, các mô hình đã cho thấy chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong nhân dân không chỉ trên lĩnh vực khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống mà còn hướng người dân đến nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.
Bình luận