Tăng cường hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người khuyết tật Hà Nội: Tỷ lệ giải quyết việc làm các năm đều vượt kế hoạch Nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động

Theo Bộ GD&ĐT, tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

Năm 2024, các địa phương được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên
Năm 2024, các địa phương được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên. (Ảnh minh họa)

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước là hơn 1,2 triệu người, tăng gần 72.000 người so với năm học trước đó. Tuy nhiên, so với định mức quy định và yêu cầu nhiệm vụ được giao thì số lượng giáo viên còn thiếu khá nhiều. Trong khi đó, cũng trong năm học 2022 - 2023, cả nước có hơn 19.000 giáo viên công lập nghỉ chế độ và nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc nhiều là do áp lực công việc lớn và mức lương còn thấp.

Vì vậy, trong năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách đãi ngộ nhà giáo.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành Giáo dục; bảo đảm các điều kiện về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý yên tâm công tác, cống hiến và thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; đổi mới mô hình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo hướng phát triển năng lực, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.