Nghệ nhân trẻ trưởng thành từ nghề gốm truyền thống
Bí quyết làm giàu của người thương binh giàu nghị lực Làm giàu từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp Hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách |
Sinh ra ở làng gốm Bát Tràng, tuổi thơ của Nguyễn Tuấn Minh là những ngày làm bạn với đất, với bàn xoay, thích thú ngắm nhìn bàn tay điêu luyện của ông, của bố và những người thợ trong làng tạo hình, thổi hồn vào đất song đến năm 16 tuổi, Tuấn Minh mới nghiêm túc học nghề làm gốm.
Tốt nghiệp Trung học phổ thông là lúc anh Minh đã có tay nghề khá vững về tạo hình cùng nhiều kỹ thuật khó, cũng là lúc tình yêu với gốm đủ “chín”, anh Minh quyết định xin bố mẹ cho dừng việc học văn hóa, ở nhà chuyên tâm theo nghề gốm...
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh chế tác các tác phẩm gốm. |
Được dành trọn thời gian để ở xưởng sản xuất của gia đình, anh Minh thỏa sức sáng tạo và trau chuốt những “đứa con” tinh thần của mình. Bằng sự đam mê và tài năng thiên bẩm với nghề gốm, anh nhanh chóng học hết các kỹ năng của bậc cha chú trong gia đình.
Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, sau hai năm làm việc, Nguyễn Tuấn Minh quyết định đi học để thay đổi bản thân. Vừa theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, anh Minh vừa chủ động đi làm thuê cho một số xưởng nổi tiếng để tìm tòi, học hỏi từ những bậc tiền bối giỏi nghề. Tay nghề của chàng trai trẻ khá dần lên, những tác phẩm tạo ra mang tính nghệ thuật nhiều hơn.
Chia sẻ về nét độc đáo của các sản phẩm của mình, Nguyễn Tuấn Minh cho biết: “Công việc làm gốm thật sự không hề đơn giản, đòi hỏi tâm, trí, lực, sự kiên trì, nhẫn lại, tinh tế và cái cảm nghệ thuật của người làm nghề nên các sản phẩm thủ công vuốt tay mới mang nét riêng của gốm sứ Bát Tràng và người thợ phải biết thổi hồn vào tác phẩm của mình”. Do đó, toàn bộ sản phẩm tại xưởng sản xuất của Tuấn Minh được làm thủ công và có sự kết hợp các đường nét nghệ thuật điêu khắc đương đại.
Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh hướng dẫn nghề gốm cho thanh niên xã Bát Tràng. |
Chàng trai trẻ cũng quyết định đi sâu vào các mặt hàng nghệ thuật như chóe tượng, đồ thờ hoài cổ… Theo năm tháng, những sản phẩm gốm của Nguyễn Tuấn Minh sáng tạo nhận được sự đánh giá cao của khách hàng cũng như giới làm nghề...
Tuấn Minh trực tiếp chế tác các sản phẩm, trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm “Đôi bình vuốt tay men rạn cổ”, “Đôi chóe men rạn mặt hổ phù đắp rồng” đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Kim Trúc (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm). Tuấn Minh cũng là tác giả của tác phẩm tiêu biểu “Đôi chân đèn màu lam sẫm”, “Đôi lộc bình đắp tứ linh”, “Đôi chóe men rạn đắp rồng màu chàm cổ” đang lưu giữ và trưng bày tại chùa Tiêu Dao (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Tự hào về nghề truyền thống, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh cũng rất nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ thông tin cho việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Năm 2020, anh được Sở Công Thương Hà Nội chứng nhận nghệ nhân tham gia chuỗi “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ thành phố Hà Nội”.
Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh cùng thanh niên địa phương trưng bày các sản phẩm gốm sứ để quảng bá tới du khách. |
Trong Tuần lễ du lịch Bát Tràng từ ngày 28/4 đến ngày 3/5/2022 vừa qua, Tuấn Minh cùng các thanh niên địa phương tổ chức Giao lưu sáng tác, trình diễn và trưng bày các sản phẩm gốm sứ để du khách biết rõ hơn về nét độc đáo của sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch Bát Tràng.
Không chỉ giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, Tuấn Minh còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn- Hội tại địa phương. Chàng trai trẻ thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện do các cấp bộ Đoàn tổ chức. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát tại Bát Tràng, Tuấn Minh cùng các đoàn viên thanh niên đã tham gia hỗ trợ tiêm vắc-xin; trực chốt phòng, chống dịch; vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các hộ gia đình trong khu cách ly…
Nguyễn Tuấn Minh được trao tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021. Với Tuấn Minh, đó vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa động lực, nguồn khích lệ, động viên bản thân tiếp tục cháy hết mình với đam mê nghề truyền thống của quê hương Bát Tràng, nỗ lực lao động, sáng tạo và đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Bình luận