TP.HCM: Gỡ vướng thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở khi mua nhà ở xã hội HoREA kiến nghị giải pháp kiểm soát tình trạng nhà "ổ chuột" trên cao

Quản lý chặt chẽ nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân

Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn.

Cụ thể, chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.

Cụ thể, cá nhân có quyền sử dụng đất ở thuộc quyền sử dụng của mình, được Nhà nước giao (theo quy định tại khoản 3 Điều 54) xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Xây dựng.

Nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ: Quản lý chặt chẽ!
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. (Ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; cũng như điều kiện theo quy định của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

Dự thảo Luật cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Đồng thời, chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp; bổ sung Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư…

Về bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ.

Phải đảm bảo chính sách được thực hiện xuyên suốt

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ, đảm bảo chính sách xuyên suốt, lực lượng vũ trang, cơ yếu thì có chính sách ưu tiên phù hợp. Chính phủ cần có tính toán cụ thể, điều quan trọng là phải đảm bảo chính sách được thực hiện xuyên suốt, giúp cán bộ, công chức, đặc biệt trong ngành an ninh, quốc phòng, cơ yếu yên tâm công tác, qua đó thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ: Quản lý chặt chẽ!
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Về đối tượng thuê nhà ở công vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo trước đây Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quy định về điều kiện được thuê nhà công vụ ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay trong dự thảo Luật mới đã mở rộng với các đối tượng là cấp Phó thủ trưởng ngành cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Chủ tịch huyện, Phó giám đốc sở… thì được bố trí nhà ở công vụ. Đối với lực lượng vũ trang, Chính phủ cũng rất ủng hộ việc bổ sung đối tượng là công nhân, viên chức của Bộ Quốc phòng và cán bộ cơ yếu.

Về hiệu lực thi hành của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong điều kiện hiện nay, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc tiếp cận nhà ở công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Dự thảo Luật hiện đang có hướng giải quyết cho vấn đề này, tuy nhiên nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ cho các lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.

Liên quan đến tranh chấp về quỹ bảo trì, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tính đến tháng 11/2022, cả nước có khoảng 5.587 nhà chung cư, có 85 nhà chung cư có tranh chấp về quỹ bảo trì, khi có tranh chấp thì phải có động thái vào cuộc của chính quyền và có biện pháp cưỡng chế. Do đó trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Pháp luật đã trao đổi với Bộ Xây dựng về vấn đề này, nếu quy định ủy quyền cho huyện ngay trong Luật thì trong một số trường hợp UBND cấp huyện không đủ năng lực thực hiện việc này.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định cho phép UBND cấp tỉnh khi cần thiết nếu đơn vị cấp dưới đủ năng lực thì được ủy quyền để tạo sự linh hoạt. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể ủy quyền cho chính quyền các quận thực hiện vì đủ năng lực…