Nhà ở xã hội "lên sàn": Lấy phí môi giới của công nhân là thiếu nhân văn
Gỡ vướng quy định phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu Ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà để ở |
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang liên kết với nhiều sàn bất động sản để bán hàng. Ảnh: Trần Tuấn. |
Đẩy phí môi giới lên người thu nhập thấp là bất tín
Báo Lao Động mới đăng tải loạt bài: Nhà ở xã hội “lên sàn”, phản ánh tình trạng: Tại nhiều dự án nhà ở xã hội trên cả nước, để nhanh chóng thu hồi vốn, chủ đầu tư đã liên kết với các sàn giao dịch bất động sản khác nhau để bán hàng.
Từ đó xảy ra tình trạng, giá nhà ở xã hội lại do các sàn này quy định chứ không phải do Nhà nước quy định. Thậm chí, có sàn thu phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị căn hộ, khiến cho chính sách nhân văn về nhà ở xã hội khi đi vào thực tiễn không còn nhiều ý nghĩa.
Bên cạnh đó, việc các sàn giao dịch bất động sản bán nhà ở xã hội mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm có đúng đối tượng được mua hay không còn dẫn đến những hệ lụy nặng nề và lâu dài cho người mua nhà cũng như các cơ quan quản lý.
Liên quan đến loạt bài này, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội có quy mô hàng nghìn căn hộ chia sẻ, trong quá trình phân phối các dự án nhà ở xã hội, đơn vị vẫn phải phối hợp với các sàn giao dịch để đẩy nhanh tiến độ bán hàng, quay vòng vốn.
Công ty Cổ phần Cen Bắc Ninh - đơn vị thu phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị căn hộ nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm. Ảnh: Trần Tuấn |
“Với số lượng hàng ngàn căn hộ tại dự án, chúng tôi không đủ nguồn lực để đi ký hợp đồng với từng trường hợp được, buộc phải thông qua các sàn để đẩy nhanh quá trình phân phối, tái đầu tư”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc các chủ đầu tư nhà ở xã hội có thể liên kết cùng các sàn giao dịch bất động sản để bán hàng hay không, lãnh đạo Sở Xây dựng một địa phương cho hay, đối với các dự án thông thường khác thì chi phí quảng cáo, bán hàng sẽ ở mức khoảng vài % trong cơ cấu giá bán.
Tuy vậy, khi cơ quan chức năng thẩm định giá đối với nhà ở xã hội thì không có bất kỳ chi phí về quảng cáo nào. Do vậy, đa phần các chủ đầu tư nhà ở xã hội vẫn phải trực tiếp bán hàng.
"Các chủ đầu tư vẫn có thể có thể thông qua các sàn giao dịch để bán hàng nhưng phải đảm bảo 2 điều kiện: thứ nhất phải đảm bảo đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội và thứ 2 giá bán phải đúng theo giá Nhà nước đã phê duyệt. Còn phần chi phí môi giới cho các sàn thì chủ đầu tư phải chi trả, mức chi trả có thể từ 3 – 5 triệu đồng/căn hộ", vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo Sở Xây dựng này, chủ đầu tư cần có mức trả phí môi giới bình quân cho các sàn giao dịch để thu hút khách hàng về giúp. Từ tập khách hàng đó, chủ đầu tư lọc ra các trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sau đó trình thẩm định qua Sở Xây dựng và tiến hành ký kết hợp đồng. Việc liên kết này không quá khó khăn và trên thực tế cũng đã có nhiều chủ đầu tư thực hiện tốt. Vấn đề chỉ là các chủ đầu tư có chịu chấp nhận giảm lợi nhuận hay không.
"Quan trọng hơn nữa vẫn là phải tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ về đối tượng được mua, giá bán, phương thức bán… tại các dự án nhà ở xã hội. Từ đó, sẽ cắt bỏ được bớt khâu trung gian, giúp ích cho cả người dân và doanh nghiệp làm nhà ở xã hội", vị lãnh đạo này thông tin thêm.
GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trần Tuấn. |
Chính quyền địa phương giữ vai trò quyết định
Bình luận về câu chuyện người dân mua nhà ở xã hội hơn 700 triệu đồng thì mất đến 100 triệu đồng cho phía môi giới mà Báo Lao Động mới nêu, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thấy bất ngờ vì mức phí "khủng".
"Người mua có thể có thể kiến nghị lên các cơ quan quản lý về việc tại sao các sàn lại thu mức phí cao như vậy, điều này không mang tính nhân văn chút nào", GS.Đặng Hùng Võ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu trong trường hợp chủ đầu tư nhà ở xã hội không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người dân mà yêu cầu phải thông qua các sàn giao dịch bất động sản thì người dân cứ đến trực tiếp cơ quan nhà nước, cụ thể ở đây là Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ giải quyết.
“Nhà nước có các chính sách ưu đãi chung đối với các chủ đầu tư nhà ở xã hội, bên cạnh đó các địa phương cũng có thêm các ưu đãi khác (hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội - PV). Vì vậy, việc mua bán nhà ở xã hội không thể để các chủ đầu tư và các sàn tự quyết với nhau mà Chính quyền địa phương phải giữ vai trò quyết định lớn nhất”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Theo Trần Tuấn/laodong.vn
Bình luận