Nhân lực trong văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số đối với hoạt động ngân hàng
Tiếp tục có thêm ngân hàng giảm lãi suất Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên Hành động để thúc đẩy và tăng cường vai trò cán bộ nữ ngành Ngân hàng |
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ tập trung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1537/QD-NHNN phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, kế hoạch tập trung xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn; tăng cường hợp tác giữa các đơn vị đào tạo và nhà tuyển dụng trong ngành Ngân hàng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo cán bộ nắm bắt tiến bộ khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn Ngành... Tại Việt Nam, có khoảng cách lớn giữa cung cầu lao động cho quá trình chuyển đổi số nói chung, ngành Tài chính - Ngân hàng nói riêng.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng, Học viện Ngân hàng. |
Kết quả khảo sát của PwC (2021) cho thấy, khoảng 45% người được hỏi chia sẻ, sự lo lắng rằng tự động hóa sẽ khiến công việc gặp rủi ro. Nghiên cứu của Earn & Young đã phát hiện ra rằng, những doanh nghiệp đặt con người làm trung tâm của quá trình chuyển đổi có khả năng thành công cao gấp 2,6 lần. Sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành khi xuất hiện thêm các vị trí công việc liên quan tới công nghệ hoặc gia tăng tự động hóa, hàm lượng công nghệ cao trong quy trình xử lí nghiệp vụ...
Tại Tọa đàm “Vai trò của tổ chức Công đoàn đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Thị Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng, Học viện Ngân hàng cho rằng, căn cứ vào các đặc trưng của VHDN trong chuyển đổi số, các ngân hàng cần lưu ý xây dựng nguồn lực con người nhằm phát triển VHDN trong bối cảnh chuyển đổi số các hoạt động ngân hàng.
Trong đó, bà Phạm Thị Tuyết đưa ra một số vấn đề trọng tâm, đó là việc tuyển dụng nhân sự cần phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số. Phát triển nguồn nhân sự theo hướng thấm nhuần tư duy về văn hóa đổi mới trong môi trường số. Điều này liên quan đến việc nâng cao nhận thức giữa các thành viên trong ngân hàng
Ngân hàng cần xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để từng bước thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số và giải quyết mối quan tâm của người lao động trong lĩnh vực ngân hàng, quá trình chuyển đổi số và phát triển VHDN sẽ cần phải gắn liền với đào tạo nâng cao kiến thức, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, tri thức về thay đổi văn hóa tổ chức và sự thích ứng…
Các cơ sở giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành cần rà soát chương trình đào tạo, cập nhật, bổ sung đào tạo môn học mới đáp ứng yêu cầu của về chuyển đổi số và phát triển VHDN. Nhu cầu học hỏi của người Việt Nam để thích ứng trong môi trường làm việc chuyển đổi số và có sự thay đổi về VHDN là rất lớn, với 93% người được hỏi cho rằng, họ hiện đang học các kĩ năng mới, trong đó phần lớn nói rằng “đang tự học” (PwC, 2021).
Đây là phản ứng tích cực, dấu hiệu thị trường đào tạo phát triển nguồn nhân lực này buộc các cơ sở giáo dục đào tạo phải có kế hoạch, chiến lược thành lập mới các ngành học liên quan đến số hóa hoặc bổ sung nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.
Đại biểu nghe ý kiến tham luận tại Tọa đàm. |
Hệ thống ngân hàng và các cơ sở giáo dục đào tạo của ngành có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực mới được tiếp cận với các chương trình đạo tạo tiên tiến, phù hợp với sự thay đổi không ngừng của công nghệ lõi buộc người lao động phải bổ sung năng lực và các kĩ năng cần thiết để thích ứng và không đối mặt với nguy cơ tụt hậu hoặc mất việc khi công việc của họ bị tự động hóa.
Cùng với đó, cần đặt nguồn lực con người ở vị trí trung tâm trong phát triển VHDN và chuyển đổi số. Các nhà lãnh đạo, quản lí ngân hàng cần cập nhật phong cách quản lí thông qua việc thách thức và thay đổi vai trò và trách nhiệm nhằm gia tăng trải nghiệm cho nhân viên. Gia tăng trải nghiệm của nhân viên có nghĩa là coi sự hài lòng của nhân viên là chìa khóa cho hiệu quả kinh doanh. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt nhân viên vào trung tâm của bất kì chiến lược chuyển đổi nào, đảm bảo rằng chiến lược đó sẽ hoạt động và mang lại kết quả. Không thể áp đặt một sự thay đổi trong hành vi và thói quen người lao động mà không có sự hỗ trợ của các cấp quản lí.
Các nhà lãnh đạo có thể tạo ra một nền văn hóa tổ chức cân bằng giữa thực tiễn quản lí rủi ro hiệu quả và khái niệm “thất bại nhanh”. Đồng sáng tạo và liên tục đưa ra tầm nhìn chuyển đổi để thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên. Phải tạo ra một môi trường an toàn về tâm lí trong đó thất bại nhanh chóng được chấp nhận chứ không bị trừng phạt, trao quyền cho các cá nhân và nhóm thử nghiệm. Cách tiếp cận này đặc biệt có khả năng thu hút, giữ chân nhân tài và những nhân sự mới đến làm việc, những người có xu hướng phản ứng tích cực với văn hóa làm việc cởi mở và ân cần, coi trọng sự tham gia của họ.
Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết cho rằng, nguồn lực con người có vai trò quan trọng, có thể dẫn dắt sự thay đổi VHDN, quản trị sự thay đổi trong môi trường tổ chức để quá trình chuyển đổi số của ngân hàng có thể thành công. Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ không nhiều và sự khác biệt về công nghệ không đủ lớn thì việc tạo ra sự khác biệt nhằm thu hút khách hàng gia tăng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng chính là ở uy tín ngân hàng, đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp mang bản sắc văn hóa trong phục vụ và chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh những thách thức về mặt kĩ thuật, công nghệ, bảo vệ dữ liệu người dùng, phát hiện giao dịch đáng ngờ… trong bối cảnh chuyển đổi số các hoạt động ngân hàng thì một thách thức cốt lõi chính là làm thế nào để hiểu và động viên nhân viên cống hiến hết khả năng, phát huy sức sáng tạo của họ, cam kết gắn bó với ngân hàng, đặc biệt là cách thức quản trị nhân tài…
Các nhà lãnh đạo ngân hàng phải tập trung nỗ lực và nguồn lực vào việc nuôi dưỡng, quản trị sự thay đổi VHDN lấy con người làm trung tâm để điều này trở thành ưu tiên hàng đầu. Một nền văn hóa cởi mở, nơi nhân viên cảm nhận được cảm giác thân thuộc vượt qua giới hạn và trở nên có động lực, họ sẽ sáng tạo hơn, nhiệt huyết hơn, trách nhiệm hơn và dám đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, biết rút kinh nghiệm, góp sức vào công cuộc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.
Bảo Thoa
Bình luận