Nhiều hoạt động chào mừng Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây
Hé mở về ý nghĩa quân sự đặc biệt của Thành cổ Sơn Tây Nét độc đáo của quần thể cây xanh nơi Thành cổ Sơn Tây Giữ nét đẹp Tết Trung thu |
Tối nay (12/11), Thị ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và giới thiệu các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với di sản cha ông để lại; đồng thời là cơ hội quảng bá, phát huy những giá trị độc đáo, tiêu biểu của di tích nói riêng, tiềm năng du lịch di sản ở thị xã Sơn Tây nói chung cho mục tiêu thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây khai mạc Giải việt dã “Bước chân Thành cổ”. (Ảnh: ĐL) |
Đáng chú ý, ngay trong sáng 12/11, nhiều hoạt động chào mừng 200 năm Thành cổ như khai mạc Giải chạy “Bước chân Thành cổ”; khánh thành công trình số hóa cây xanh và trồng cây lưu niệm; Ngày hội vẽ tranh với chủ đề “Dấu xưa Thành cổ”... đã được diễn ra, thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách trong và ngoài địa bàn Thị xã.
Theo đó, với hoạt động số hóa cây xanh và trồng cây lưu niệm, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, đây là dự án do Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm làm chủ đầu tư, đã được UBND thị xã Sơn Tây phê duyệt. Hơn hết, hoạt động trên nhằm số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống cây xanh tại Khu di tích Quốc gia Thành cổ Sơn Tây.
Cùng đó, Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên - Hội đồng đội thị xã Sơn Tây tổ chức Giải việt dã “Bước chân Thành cổ”. Theo Ban tổ chức, “Bước chân Thành cổ” đã thu hút sự tham gia của trên 700 vận động viên là đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, thanh niên khối lực lượng vũ trang và các vận động viên đăng ký tự do.
Thị xã Sơn Tây khánh thành công trình số hóa cây xanh và trồng cây lưu niệm. (Ảnh: ĐL) |
Các vận động viên tham gia chạy hưởng ứng và thi đấu tại các tuyến phố xung quanh hào thành cổ. Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự to lớn của Thành cổ Sơn Tây.
Tương tự, tại Di tích Thành cổ Sơn Tây đã diễn ra ngày hội vẽ tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Dấu xưa Thành cổ”. Tại đây, các em đã thể hiện tài năng trong lĩnh vực hội hoạ của mình để làm nổi bật nét đẹp của di tích Thành cổ Sơn Tây với các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Cổng thành, Đoan Môn, Kỳ Đài, Điện Kính thiên, Giếng Ngọc…
Trước đó, ngày 9/11, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Sơn Tây đã phối hợp với Câu Lạc bộ Mỹ thuật và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sơn Tây tổ chức khai mạc “Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh” chào mừng Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây
Nội dung các tác phẩm chủ yếu về Thành cổ xưa và nay, phong cảnh sơn thủy hữu tình của mảnh đất Sơn Tây; đặc biệt có 15 tác phẩm sưu tầm về Thành cổ những ngày đầu mới hình thành. Mỗi tác phẩm thể hiện tình cảm của các nghệ sỹ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, đất nước và con người Việt Nam nói chung, mảnh đất Sơn Tây nói riêng.
Các em học sinh vẽ tranh về Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: ĐL) |
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, việc tổ chức các hoạt động hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại Thành cổ Sơn Tây nhân dịp kỷ niệm 200 của di tích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; góp phần tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiểu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ, cũng như những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của thị xã Sơn Tây đối với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, góp phần đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp văn hóa của Thị xã.
Theo tìm hiểu, Sơn Tây là thị xã duy nhất của thủ đô Hà Nội, nơi đây là một đô thị cổ của vùng đất xứ Đoài ngàn năm văn hiến, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 42km về phía Tây Bắc, nằm trong vùng đồng bằng trung du bắc bộ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng, có nhiều đường giao thông thủy, bộ nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội, các vùng đồng bằng Bắc Bộ, với vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Thành cổ Sơn Tây là một dấu ấn còn sót lại của lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm.
Bình luận