Tăng kết nối, đẩy nhanh giới thiệu việc làm 7 trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không cần báo trước Những nội dung chính cần ghi trong Hợp đồng lao động

Từ đầu năm 2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm thay đổi mang tính tiến bộ hơn về hợp đồng lao động (HĐLĐ) để bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

Trong đó, Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định “HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản”.

Nhiều tiện lợi khi sử dụng hợp đồng lao động điện tử
HĐLĐ điện tử tiết kiệm thời gian làm việc, quy trình thủ tục, hành chính cho các doanh nghiệp. (Ảnh: NLĐ)

Nói về tính ưu việt của HĐLĐ điện tử, ông Nguyễn Tá Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ điện tử (FPT IS) cho hay, thời gian qua, FPT IS đã triển khai nền tảng ký kết HĐLĐ điện tử cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như bán lẻ, tài chính, sản xuất… và được các doanh nghiệp đánh giá cao về sự tiện lợi.

Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển đổi số rất mạnh và tất cả những gì có thể chuyển đổi được qua hình thức điện tử đều được các doanh nghiệp hưởng ứng, cho tích hợp vào hệ thống quản trị số của mình.

Có thể thấy, HĐLĐ điện tử đang là xu thế của các doanh nghiệp có quy mô nhân sự lớn, nhiều văn phòng rộng khắp. Xu hướng đa dạng hình thức làm việc, trong đó có làm việc từ xa cũng rất cần đến sự giúp sức của HĐLĐ điện tử để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Theo các chuyên gia lao động, HĐLĐ điện tử khi triển khai rộng rãi có thể giúp liên thông dữ liệu giữa người lao động với các cơ quan quản lý nhà nước, tạo cơ sở dữ liệu để chia sẻ và tra cứu thông tin người lao động, phục vụ đối chiếu xác minh cho các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng,... Qua đó, giải pháp này giúp các cơ quan nhà nước thống kê, đưa ra những chính sách phù hợp, mang lại lợi ích kịp thời cho người lao động.

Về phía doanh nghiệp, HĐLĐ được ký dưới dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực, tăng cường minh bạch trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, bảo đảm quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ 30 Shine (Hà Nội) cho biết, công ty có đặc thù hoạt động theo chuỗi, với 86 salon tóc nam trải dài từ Bắc vào Nam, 30 Shine luôn xem chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để quản trị doanh nghiệp từ nhân sự đến chất lượng dịch vụ.

Bà Dung cho rằng HĐLĐ điện tử rất phù hợp với mọi doanh nghiệp bởi cách sử dụng khá đơn giản, nhanh chóng và được người lao động ủng hộ. “Người lao động nhận HĐLĐ qua e-mail hoặc tin nhắn SMS, cùng mã xác thực bảo mật thông tin và thực hiện ký kết điện tử. Đây là bản hợp đồng có giá trị pháp lý như bản giấy truyền thống. Chúng tôi đang sử dụng rộng rãi với tất cả nhân sự của 30 Shine trên toàn quốc”, bà Dung cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang có 51,5 triệu người ở độ tuổi lao động, trong đó 50,6 triệu người đang có việc làm, chiếm hơn 51% dân số cả nước. Trong kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ủy ban này đã yêu cầu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển nền tảng sử dụng HĐLĐ điện tử nhằm thúc đẩy người lao động và tổ chức sử dụng lao động thực hiện ký kết HĐLĐ điện tử.