Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?

Ma trận hàng thật - giả, loạn giá

Ghi nhận tại một số sàn thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm từ mỹ phẩm, quần áo, nước hoa, thực phẩm chức năng... được rao bán ngập tràn.

Tại một cửa hàng online, chai nước hoa hiệu Le Labo loại 50ml được chào bán với giá 299.000 đồng. Cũng cùng sản phẩm này ở một cửa hàng khác lại được rao bán với mức giá chỉ 168.000 đồng.

Không khó để tìm kiếm một chai nước hoa cùng loại với giá rẻ nhiều hơn thế; trong khi đó sản phẩm này nếu là hàng chính hãng sẽ có giá vài triệu đồng.

Cùng một loại nước hoa nhưng lại có nhiều giá khác nhau giữa các cửa hàng. Ảnh: Chụp màn hình.
Cùng một loại nước hoa nhưng lại có nhiều giá khác nhau giữa các cửa hàng. Ảnh: Chụp màn hình.

Cần mua một đôi giày hiệu Adidas, chị Đinh Quế Phương Hoa (Vĩnh Phúc) dễ dàng tìm được trên các sàn thương mại điện tử chỉ bằng vài cú click.

Hàng nghìn kết quả với nhiều hình ảnh giống nhau nhưng lại có giá cả khác nhau xuất hiện tràn lan. Dù hoang mang nhưng chị Hoa vẫn đặt một đôi giày đúng yêu cầu.

Sau thời gian chờ đợi hàng, chị Hoa háo hức "đập hộp". Thế nhưng, nữ nhân viên văn phòng không khỏi giật mình khi đôi giày chị chờ cả nửa tháng lại khác so với ảnh đến vậy.

Càng gần Tết Nguyên đán 2023, hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ảnh: Lương Hạnh.
Càng gần Tết Nguyên đán 2023, hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ảnh: Lương Hạnh.

"Để biết được hàng có "chuẩn" hay không, tôi thường nhìn lượt mua sản phẩm. Sau đó đọc phần đánh giá, nhận xét về sản phẩm ngay bên dưới. Nhưng kể cả đã làm như vậy thì việc nhận biết hàng hóa thật - giả trên chợ mạng rất khó", chị Hoa nói.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (Yên Bái) cũng từng rơi vào cảnh mua phải hàng nhái thương hiệu nổi tiếng ở một sàn thương mại được cho là uy tín.

"Không có điều kiện mua cả chai nước hoa nên tôi thường mua dạng chiết từ 10-15ml/chai để sử dụng. Nhận về một chai nước hoa chiết nhãn hiệu Dior có giá 150.000 đồng tôi nghĩ mình được hời nhưng rồi lại không ngửi được vì toàn mùi cồn", chị Linh chia sẻ.

Chế tài xử lý vẫn tồn tại nhiều kẽ hở

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Pháp luật đã quy định rất rõ về xử phạt hành chính đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Theo nghị định số 98/2020/NĐ-CP, xử phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng đối với hành vi bán hàng giả về giá trị công dụng. Phạt từ 1 triệu đến 50 triệu đồng với hành vi bán hàng giả về nhãn hàng bao bì. Phạt từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng với hành vi bán tem nhãn bao bì hàng giả".

Bên cạnh đó, đối với những hành vi đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt như sau: Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Bộ Luật Hình sự sẽ có thể bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Với tội bán hàng giả liên quan đến lương thực, thực phẩm, phụ gia theo điều 193 mức phạt từ 2 đến 5 năm và mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Với tội buôn bán hàng giả là thuốc theo điều 194 mức phạt từ 2 đến 7 năm và mức phạt cao nhất là tử hình.

"Quy định là vậy, tuy nhiên với tốc độ phát triển đến chóng mặt của thương mại điện tử, mạng xã hội, chế tài xử lý vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, không theo kịp thực tế", vị luật sư nhận định.

Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các quy định danh mục hàng hóa bắt buộc bảo hành, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Đối với các doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng; có các chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng nếu phát hiện gian lận thương mại, hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đối với người tiêu dùng, cần hết sức tỉnh táo, thực sự là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng cần thể hiện vai trò của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tính từ đầu năm đến ngày 15.10.2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số hơn 13.720 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỉ đồng; số thu ngân sách Nhà nước đạt 265,841 tỉ đồng.

Theo LƯƠNG HẠNH/laodong.vn

https://laodong.vn/ban-doc/nhuc-nhoi-nan-mua-hang-that-nhan-do-gia-tren-cho-mang-1126247.ldo