Nông dân tăng gấp đôi thu nhập từ giải pháp canh tác lúa hữu cơ Pamci
Nông nghiệp phải là ngành kinh tế có lợi thế chiến lược của quốc gia Đan Phượng đẩy mạnh mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới |
Đảm bảo nông sản ngon và an toàn
Trong những năm gần đây đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ngày càng được nâng cao đòi hỏi các sản phẩm nông sản phải đảm bảo tiêu chí ngon và an toàn. Từ đó, cũng đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải chuyển đổi mô hình, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn.
Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, Chương trình 03 của Huyện ủy Chương Mỹ về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, năm 2012 xã Đồng Phú tiếp thu dự án PamCi do trường Đại học Tokyo Nhật Bản và trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức triển khai canh tác theo nguyên tắc hữu cơ Pamci và phương pháp SRI, cấy lúa chất lượng cao, sử dụng phân bón hữu cơ.
Người nông dân canh tác trên cánh đồng lúa hữu cơ. |
Phân bón là phân chuồng từ phân chim, trâu, bò, gà được trộn với trấu, vôi, tro bếp ủ hoại mục, nước tưới cho cây trồng là nguồn nước sạch không nhiễm chất độc hại được lọc qua than hoạt tính, không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học, sản xuất đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đồng Phú, sản xuất lúa hữu cơ đòi hỏi nông dân lao động thủ công, tốn nhiều ngày công lao động dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân không muốn sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ.
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Hội LHPN xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội viên phụ nữ và nhân dân sản xuất lúa hữu cơ; vận động hộ sản xuất lúa phải trung thực trong sản xuất, không bón phân hóa học và các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chỉ bón phân hữu cơ. Không cấy lúa biến đổi gen hoặc các giống lúa khác mà trên một khu ruộng sản xuất lúa hữu cơ phải cấy cùng một giống lúa để đảm bảo cho thu hoạch và việc thu mua của các doanh nghiệp đồng thời vận động các hộ tự giám sát nhau trong quá trình sản xuất lúa.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Phú chia sẻ thành quả của mô hình tại Tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao”. |
Đến tháng 9/2017 trước quy mô sản xuất mở rộng, thành viên tham gia đông. Được sự nhất trí và chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, phòng kinh tế và các cơ quan chuyên môn của huyện, xã Đồng Phú đã chỉ đạo thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú, với 89 thành viên, đến nay là 103 thành viên, trong đó có 86 thành viên là hội viên phụ nữ.
Năm 2014 dự án Pamci kết thúc đã thực hiện được gần 5ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ. Quy trình sản xuất lúa hữu cơ rất nghiêm ngặt, các nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng các chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp từ: đạm, lân kai và các chất bảo quản,… không dùng bất cứ một loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục.
Đặc biệt hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng phải được đặt than hoạt tính. Đến khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách tin cậy (có thanh kiểm tra giám sát). Và lắp hệ thống camera giám sát vùng trồng. Một điểm nữa là sản xuất hữu cơ khác với việc sản xuất thông thường là nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng, các hộ nông dân tự giám sát nhau trong quá trình thực hiện qui trình sản xuất.
Áp dụng công nghệ trong sản xuất lúa hữu cơ |
“Hội phụ nữ xã đã phối hợp với HTX nông nghiệp hữu cơ tổ chức các buổi tập huấn cho hội viên phụ nữ và nhân dân có diện tích sản xuất lúa hữu cơ về kỹ thuật và quy trình sản xuất lúa; phối hợp cùng với Hội Nông dân xã cho 27 hội viên phụ nữ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để sản xuất lúa hữu cơ với số tiền 675 triệu đồng (trung bình 25 triệu đồng/hộ); thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ hàng quý chị em hội viên cũng trao đổi, chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân trong chăm sóc và trồng lúa hữu cơ; ngoài ra chị em còn trồng luân canh cây lúa với cây đậu tương và rau màu các loại đã đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình”, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết.
Thu nhập gấp đôi sản xuất thông thường
Đến nay, toàn xã có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ, vụ xuân năm 2022 diện tích sản xuất lúa hữu cơ là 55ha/vụ Xuân, năng xuất lúa là 285-320 kg/sào. HTX đã liên kết với Công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm với giá thu mua lúa là 11 nghìn đồng/kg cho thu nhập của người dân từ 160 đến 185 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,8 đến 2 lần sản xuất thông thường.
Đời sống của nhân dân được nâng cao, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ thu nhập từ bán thóc gạo, đậu tương đã mua sắm được trang thiết bị đồ dùng sử dụng trong gia đình, cho con cái ăn học, tạo việc làm, đóng góp cùng thôn xóm xây dựng các công trình công cộng. Từ đó hội viên phụ nữ phấn khởi yên tâm sản xuất và tham gia tích cực các hoạt động của Hội Phụ nữ ở địa phương.
Mô hình giúp người nông dân tăng gấp đôi thu nhập trên cùng diện tích so với sản xuất thông thường. |
Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ xã Đồng Phú vẫn còn những khó khăn như: nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; các khâu sản xuất chưa được ứng dụng nhiều nên sản phẩm làm ra chi phí còn cao; nhận thức của một số hội viên phụ nữ và nhân dân về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ còn có những hạn chế; vẫn có tập quán canh tác truyền thống đơn thuần; mô hình trồng lúa hữu cơ chưa được nhân rộng khắp trong toàn xã.
Vì vậy, trong những năm tới, để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và thực hiện vùng sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới, càng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn bảo vệ môi trường.
Vì vậy, Hội Phụ nữ xã tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới để nâng cao hơn nữa chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phú cũng kiến nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho HTX nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú một số máy móc hiện đại phục vụ cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Máy cấy, máy gặt, máy sấy thóc để có điều kiện áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giảm chi phí đầu vào cho sản xuất tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung và lúa gạo hữu cơ xã Đồng Phú nói riêng.
Bảo Thoa/laodongthudo.vn
Bình luận