Ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệpPhấn đấu đưa Hà Nội đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ caoTích cực triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Phát huy tiềm năng vùng bãi bồi

Những ngày này, về huyện Hưng Nguyên, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hiện hữu ở đây. Trên vùng đất bãi vốn trồng ngô, khoai, đậu, lạc trước đây tại xã Hưng Lĩnh, nay là những nhà màng, nhà lưới mọc lên với đủ các loại rau, quả, dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly…

Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden cho biết, đầu năm 2021 anh thuê 1ha đất bãi xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) làm dịch vụ nông nghiệp sạch. Từ nguồn vốn 350 triệu đồng được tỉnh và huyện hỗ trợ, anh bắt tay vào xây dựng hợp tác xã.

Ý tưởng và mô hình đầu tiên của anh là mô hình nông nghiệp Aquaponics theo hình thức “1 đầu vào, 2 đầu ra”; nghĩa là nuôi cá lăng để thu hoạch cá thương phẩm, đồng thời lấy nước, phân cá thông qua xử lý vi sinh bón cho cây trồng… Ngược lại, thay vì xử lý rồi xả nước nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm được 40 - 60% chi phí sản xuất, vừa tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Trên 1ha đất bãi bồi, anh Đạt làm 4 nhà màng, nhà lưới để trồng rau, nuôi cá theo mô hình Aquaponics.

Hiện nay, trên 1ha, anh Đạt làm 4 nhà màng, nhà lưới; phân chia thành 4 khu sản xuất, gồm 2 khu sản xuất bằng công nghệ Israel; khu nuôi cá và trồng rau theo mô hình Aquaponics; khu trồng ổi lê Đài Loan. Theo anh Đạt, mỗi năm anh sản xuất ít nhất 6 vụ rau, nuôi 2 vụ cá Lăng. Mỗi vụ rau anh bán được 700-800kg, với giá 35.000 đồng/1 kg. Mỗi vụ cá Lăng anh thu hoạch gần 400kg, giá bán bình quân 150.000 đồng/1 kg. Từ trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Cùng dải đất bãi, trên 6,5 ha đất vốn để hoang tại xã Long Xá, nay là một màu xanh ngắt của sâm ngưu bàng, bí xanh, dưa chuột, ổi… Anh Nguyễn Văn Thành - Giám đốc chi nhánh Hợp tác xã Sản xuất Cung ứng và Tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh cho biết, hơn 2 ha sâm ngưu bàng được canh tác bằng quy trình sản xuất công nghệ cao đến nay đã qua 3 mùa thu hoạch. Nếu tính giá sâm tươi, trừ chi phí mỗi héc-ta thu về hơn 200 triệu đồng. Các loại sản phẩm sâm ngưu bàng hiện đã có mặt tại các siêu thị và đại lý của hợp tác xã tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Hiện tại, hợp tác xã tiếp tục đề xuất với chính quyền mở rộng diện tích để xây dựng nhà xưởng thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ sâm ngưu bàng.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Huyện Hưng nguyên nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Ngoài 2 mô hình tiêu biểu trên, Hưng Nguyên còn có mô hình nông nghiệp công nghệ cao Israel đầu tiên trên vùng đất bãi và của huyện Hưng Nguyên, đó là Nhà lưới Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại xã Hưng Thành.

Sau 4 năm sản xuất, các cây trồng chủ đạo là dưa lưới, dâu tây, cà chua, dưa chuột… đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân thu nhập 180-220 triệu đồng/ha/năm. Ngoài giá trị kinh tế, thời gian gần đây, nhiều gia đình, trường học đã lựa chọn mô hình nông nghiệp công nghệ cao này làm điểm đến tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, hiện nay Hưng Nguyên còn có các mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantic gắn với tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi và nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thắng triển khai từ vụ đông năm 2021 tại xã Xuân Lam với diện tích 10ha. Hay như vùng sản xuất rau màu Cồn Gồ xã Hưng Tân với diện tích 2ha, áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho các loại rau, cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng mỗi vụ.

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Ngoài các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất bãi, hiện các xã Hưng Thông, Hưng Phúc cũng đã xây dựng được mô hình nhà màng, nhà lưới. Huyện Hưng Nguyên đã phục tráng và nhân rộng diện tích cam Xã Đoài lên 17ha tại xã Hưng Trung; đưa giống bò 3B vào chăn nuôi dọc các xã ven sông Lam: Hưng Lĩnh, Long Xá, Xuân Lam, Châu Nhân; quy hoạch vùng trồng rau hàng hóa tại một số xã như Hưng Tân, Châu Nhân, Hưng Thành, Long Xá, Hưng Lĩnh…; triển khai mô hình liên kết doanh nghiệp trồng khoai tây tại xã Xuân Lam, trồng tỏi tại xã Hưng Tân.

Các xã vùng ngoài của huyện, gồm Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc tập trung cải tạo vườn đồi tạp sang trồng đào cảnh phục vụ Tết và các loại cây ăn quả: mít, táo, ổi, na, chanh các loại (hiện chanh sạch Hưng Yên Nam đã có mã truy xuất nguồn gốc), gắn với chăn nuôi gà thả đồi.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Huyện Hưng Nguyên có nhiều cơ chế hỗ trợ mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Để khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Hưng Nguyên có cơ chế hỗ trợ 30% giá trị hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, tưới thấm, hệ thống làm lạnh, làm mát bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 50% xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/m2 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau, củ quả theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Được biết, tính đến nay, tổng số kinh phí hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đối với các hạng mục là 1,754 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 1,350 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 404 triệu đồng.

Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại được hỗ trợ 250 triệu đồng, nhà màng của Công ty TNHH Xứ Nghệ Farm ở xã Hưng Thông được hỗ trợ 300 triệu đồng; hệ thống tưới của Chi nhánh Hợp tác xã Sản xuất, Cung ứng và Tiêu thụ nông sản sạch Thành Vinh 200 triệu đồng… Chi phí hỗ trợ tập trung vào nhà màng, nhà lưới, ngoài ra còn các chi phí hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, chi phí thành lập hợp tác xã...

Bà Bá Thị Dung - Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Ngoài hỗ trợ cơ sở hạ tầng, huyện còn có chính sách hỗ trợ lập các gian hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, kết nối với các Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản để đưa vào các siêu thị; kết nối với các trường học trên địa bàn để các cơ sở có cơ hội cung cấp”.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Cà chua sạch trong nhà lưới ở huyện Hưng Nguyên.

Còn theo ông Lê Phạm Hùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hưng Nguyên, việc thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình công nghệ cao trên vùng đất bãi bồi sông Lam là một trong những hướng trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của huyện, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đất bãi bồi mà lâu nay chỉ trồng một số cây trồng truyền thống ngô, khoai, lạc hiệu quả thấp hoặc để hoang hóa.

Thông qua các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị này nhằm lan tỏa, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho người dân tại các mô hình được xây dựng, như mô hình công nghệ cao tại các xã Hưng Thành, Long Xá đã làm tốt vai trò này; đồng thời, từ các mô hình để hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP.

Cùng với chỉ đạo chuyển đổi, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vùng đất bãi, huyện Hưng Nguyên vẫn đang kiên trì chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị kinh tế.