Người phụ nữ nuôi giấc mơ làm chủ nông nghiệp hiện đại Người biến đất nông nghiệp thành “vàng”

Xã Hồng Vân đã về đích nông thôn mới và đạt nông thôn mới nâng cao, hiện đang hoàn thành các tiêu chí trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Xã phát triển chủ yếu các sản phẩm hoa, cây cảnh và trồng các loại rau màu theo vụ. Sản phẩm cây cảnh như cây Sanh, Lộc Vừng được phát triển từ năm 2004.

Phát triển kinh tế từ chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái
Xã Hồng Vân hiện đang hoàn thành các tiêu chí trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2008 xã được công nhận 2 làng nghề sinh vật cảnh là làng Xâm Xuyên, làng Cơ giáo; đối với sản phẩm hoa hồng, hoa đào được phát triển từ năm 2012. Với tổng diện tích đất nông nghiệp là 187 ha, toàn xã có diện tích trồng hoa, cây cảnh, vùng nguyên liệu là 20 ha.

Thời gian qua, sản xuất ngành nông nghiệp tại địa phương đã có bước phát triển đáng kể, thu nhập và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 72 triệu/người/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Theo bà Trần Thị Bích - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hồng Vân, trước năm 2000, các mô hình phát triển hoa, cây cảnh và các mô hình sản xuất rau màu còn nhỏ lẻ, làm thủ công, chưa được ứng dụng công nghệ nên năng xuất, chất lượng cũng như thu nhập chưa cao. Các sản phẩm sản xuất chưa có đầu ra vì chưa tạo được chuỗi liên kết trong vùng du lịch từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển kinh tế từ chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái
Mô hình du lịch sinh thái nhà vườn ở xã Hồng Vân.

Trước những khó khăn trên Hội LHPN xã Hồng Vân đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về triển khai xây dựng cho các hộ nông dân chưa liên kết và thành lập mới Hợp tác xã (HTX) để triển khai sản xuất nông nghiệp chuyên canh làng nghề và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó Hội LHPN xã đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền và quán triệt Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy về xây dựng nông nghiệp chuyên canh làng nghề gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở các thế mạnh của địa phương tới các chi, tổ hội phụ nữ; phối hợp với Ủy ban nhân dân xã và các ban, ngành của huyện Thường Tín mở các buổi tuyên truyền về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của xã.

Phát triển kinh tế từ chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái
Xã Hồng Vân đã tận dụng lợi thế địa phương chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy sang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái.

Hội LHPN đã chủ trì, tham mưu và xây dựng được các chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao trong phát triển hoa, cây cảnh và nông sản, giữa các hộ trong thôn, giữa các thôn trên địa bàn xã. Điển hình là dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc, trong đó có các loại trà có thương hiệu như: Trà Chùm ngây, trà Trâu Cổ, trà Kim Ngân hoa - đây là 3 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 4 sao của Thành phố.

Bên cạnh đó là mô hình dây chuyền ngâm, ủ rượu hoa, quả Hồng Vân. Đây là mô hình khép kín từ việc trồng, thu hoạch, ngâm, ủ bằng những bí quyết riêng tạo ra hương vị, nét đặc trưng riêng của sản phẩm, độc đáo chất lượng dành cho du khách khi về Hồng Vân được thưởng thức và mua về làm quà khi về Hồng Vân tham quan trải nghiệm.

“Hội cũng khảo sát tham mưu thành lập được 2 HTX, trong đó HTX Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân chính là trung tâm kết nối các dây chuyền sản xuất. Mặt khác 2 HTX chính là 2 mô hình đặc trưng nhất của việc triển khai sản xuất nông nghiệp chuyên canh hoa, cây cảnh, vừa triển khai thu hút các loại hình du lịch trải nghiệm.

Hàng năm lượng du khách về với Hồng Vân bình quân từ 1,5 đến 2 vạn lượt người. Duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng”, bà Trần Thị Bích cho biết.

Phát triển kinh tế từ chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái
Toàn xã có diện tích trồng hoa, cây cảnh, vùng nguyên liệu là 20 ha.

Đồng thời, Hội LHPN cũng tham mưu tìm đầu ra cho 30 hộ sản xuất nông nghiệp cung ứng chuỗi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và tạo ra nét độc đáo, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề cho du khách trong và ngoài Thành phố. Giới thiệu 20 hội viên tham gia vào lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch và phát triển du lịch cộng đồng tham gia vào tổ hướng dẫn viên du lịch của xã, 2 cán bộ hội viên tham gia đội ngũ báo cáo viên; xây dựng 8 mô hình phụ nữ tham gia vào chuỗi liên kết du lịch sinh thái của xã.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ xã Hồng Vân xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó, xây dựng mới các mô hình kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững, tập trung sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo ra những sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công mỹ nghệ, có nét độc đáo trong sản phẩm góp phần thu hút và kích thích nhu cầu mua sắm của du khách khi về với Hồng Vân; từ đó kết nối và tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của các xã lân cận.

Bảo Thoa/laodongthudo.vn