Tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng đối với nền kinh tế xanh
Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh Cơ hội từ nền kinh tế xanh cho doanh nghiệp Việt Nam Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững |
Áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Tại Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024, nhận định về tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng đối với nền kinh tế xanh tại Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng, nền tảng kinh tế của Việt Nam phải được củng cố với tính bền vững và các nguồn năng lượng đáng tin cậy và tăng trưởng xanh sẽ là yếu tố quyết định cho tương lai. Ví dụ, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các đập ở thượng nguồn ngăn cản tưới tiêu cho đồng bằng. Điều này đặt ra một thách thức môi trường đáng kể.
Hơn nữa, Việt Nam cần phải đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác, có tính đến các thách thức địa chiến lược. Việc xây dựng các đối tác thương mại đa dạng, bao gồm cả Đức và EU, là rất quan trọng. Việc tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường mới. Sự đa dạng hóa này, đặc biệt trong bối cảnh quản lý rủi ro, bảo vệ môi trường và tính bền vững được cải thiện, là điều cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam và các công ty riêng lẻ.
Cần tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. |
“Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và thương mại xanh. Điều này bao gồm việc sắp xếp với các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác thương mại và người tiêu dùng, đặc biệt là tại các thị trường châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm xanh”, GS. TS. Andreas Stoffers cho hay.
PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những đánh giá nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng. Thứ nhất, trong ngắn hạn, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% năm 2024, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024, cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa cacbon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài. Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp.
Ngoài ra, đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung. Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…).
Thứ hai, trong trung, dài hạn, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế hiện nay. Thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội). Phát triển nhà ở xã hội ngoài mục tiêu chính là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cân bằng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và việc giao thị trường, nhất là khu vực tư nhân sẽ khó đảm bảo mục tiêu xã hội do tính thương mại và khó khăn trong triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn vận hành.
Cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...); cải thiện môi trường kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp.
Bảo Thoa
Bình luận