Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh
Kinh tế số ở Đông Nam Á đạt 330 tỉ USD năm 2025, Việt Nam tiến nhanh nhấtp Xây dựng tiêu chí thực hiện kinh tế tuần hoàn Cử tri kiến nghị ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ |
Mô hình “Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” bắt đầu từ việc thí điểm tại phường Hàng Đào, sau đó mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải nhựa giá trị thấp đã được nhân rộng trên địa bàn 5 phường khác gồm Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông và Phúc Tân.
Người dân tại quận Hoàn Kiếm thực hiện phân loại rác. (Ảnh: NH) |
Trong quá trình triển khai, mặc dù công tác triển khai dự án từng bị giới hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của cấp Hội phụ nữ, các đoàn thể trong khâu tuyên truyền và sự chủ động của các hộ dân, dự án vẫn ghi nhận những thành tựu, kết quả đáng mừng.
Đã có 8.000 hộ dân trên địa bàn 6 phường nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn, 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác. Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 6 phường trung bình khoảng 170 kg/ngày. Chỉ riêng tại phường Hàng Đào, trong hơn 2 tháng mô hình phân loại thu gom vận hành ổn định đã có 1.936 kg rác thải nhựa giá trị thấp đã được các hộ gia đình phân loại và được nhân viên môi trường của Công ty URENCO thu gom.
Hiệu suất thu gom rác thải của từng công nhân URENCO giữa các tổ ở các phường có sự chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng rác thu gom được ở mỗi phường đều đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu đề ra ban đầu.
Điển hình là phường Cửa Đông luôn duy trì hiệu quả thu gom cao nhất trong quá trình triển khai mô hình (khoảng 1.224 kg/tháng, tương đương 4,7 kg/công nhân/ngày). Cao thứ hai là phường Hàng Buồm (1.062 kg/tháng, tương đương 3,9 kg/công nhân/ngày). Các phường còn lại đều ghi nhận số lượng rác thải được thu gom mỗi ngày trên 3kg/ công nhân. Ở thời điểm kết thúc thu gom, tại kho tập kết của URENCO Hoàn Kiếm có tổng cộng 16.150 kg (xấp xỉ 16 tấn) rác nhựa giá trị thấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm thu gom rác thải giá trị thấp, anh Nguyễn Minh Thắng, cán bộ dự án Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết: Rác thải nhựa (giấy gói kẹo, vỏ bim bim, túi nilon, thìa nhựa…) chiếm 8% rác thải sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, chúng khá nhẹ, cồng kềnh, dễ bẩn nên khó thu gom. Mặt khác, suốt thời gian qua, người dân có thói quen gom chung cả rác thải vô cơ và hữu cơ, vì thế dự án đã đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân phân loại tại nguồn.
Bên cạnh những số liệu thực tế, dự án mô hình “Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” còn tổ chức thành công nhiều hoạt động tương tác thú vị nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn quận.
Điển hình nhất là cuộc thi “7 ngày sống xanh” kêu gọi mọi người chia sẻ các cách thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa được triển khai trên Fanpage Hà Nội của tôi. Chỉ trong 2 tuần triển khai, bài đăng thể lệ đã có hơn 300 người tham gia tương tác, chia sẻ. Các bài dự thi bao gồm các thông tin thú vị và những tips sống xanh hữu ích, thể hiện sự nhận thức cao của mọi người về vấn đề tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, dự án cũng đã triển khai một hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh tiểu học tại quận Hoàn Kiếm. Hơn 80 em học sinh đã học được cách phân biệt các loại rác thải và tham gia các trò chơi tương tác để nắm rõ cách phân loại rác thải nhựa.
Từ mô hình điển hình tại quận Hoàn Kiếm, có thể thấy nếu thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ giảm tải cho các bãi rác của Thành phố. Đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn sẽ tạo thành nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế, hướng đến nền kinh tế xanh, đóng góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng, đồng thời nên nhân rộng mô hình trên địa bàn Hà Nội để giảm thiểu rác thải nhựa, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô.
Tuy nhiên để làm được điều đó, cần có những điều kiện tiên quyết mà trước tiên là sự quyết tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, quản lý rác thải, đặc biệt là sự tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, sự chung tay của người dân.
Bình luận