Tận dụng lợi thế từ UKVFTA: Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để nắm bắt cơ hội
Hơn 80 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ SIAL Paris 2022 FTA cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững Doanh nghiệp chủ động vượt “sóng lớn” |
Thị trường Anh vẫn còn nhiều dư địa
Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao: thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021. Giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%.
Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh. Những kết quả tích cực như vậy cho phép Việt Nam lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả hai nước. Tuy nhiên, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Hiện tại, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Vương quốc Anh.
Tại Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội UKVFTA”, đánh giá về những con số tích cực kể từ khi thực hiện UKVFTA đến nay, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định có lợi ích cho cả 2 phía, thời gian qua đã cho thấy con số tích cực, đó là tăng trưởng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội UKVFTA” |
“Trong bối cảnh chúng ta đang có những thặng dư thương mại với Vương quốc Anh, thì việc Anh xuất khẩu sang Việt Nam có nhiều điểm tích cực. Thứ nhất là giúp cán cân thương mại cân bằng hơn, thứ 2 các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nhiều hơn nguồn công nghệ, sản phẩm và Anh có thế mạnh để nâng cao năng lực sản xuất”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Tiếp theo, khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, ông Ngô Chung Khanh nhận thấy đại đa số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh có tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100% như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc giày dép. Điều này cho thấy các mặt hàng đã hướng tới thị trường Anh.
“Còn một điểm thú vị nữa khi nhìn kim ngạch nhập khẩu từ Anh, ví dụ đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập vải từ Anh về để đăng ký nguồn gốc xuất xứ. Điều này có lợi cho doanh nghiệp bởi nhập vải từ Anh sau đó cắt may sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp may mặc đạt được nguyên tắc xuất xứ, thậm chí nâng cao được giá trị sản phẩm”, ông Ngô Chung Khanh nhận định.
Đối với nguyên phụ liệu cho da giày, dệt may nhập khẩu từ Anh cũng cho thấy con số tăng trưởng. Trong khi đó, các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu từ Anh lại giảm, như như ô tô, điện tử, linh kiện điện thoại, máy tính,…. Như vậy, Anh đang trở thành nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lo lắng các điểm khác biệt giữa thị trường Anh và Việt Nam quá lớn sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận các đơn hàng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, trước đây, Vương quốc Anh có tư duy quan tâm đến phát triển bền vững như vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề lao động, trách nhiệm xã hội,… Nên khi hàng hóa của một quốc gia xuất khẩu sang Anh, để tồn tại, phát triển và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thì không chỉ cần giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải đảm bảo các yếu tố bền vững.
“Có thể chúng ta đang quen xuất khẩu sang thị trường truyền thống, chưa phải quan tâm nhiều đến các vấn đề này, nhưng khi xuất khẩu sang thị trường EU và Anh thì đó là một thị trường khác biệt, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn tới các yếu tố bền vững này”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Thay đổi tư duy doanh nghiệp
Theo phân tích của Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên Ngô Chung Khanh, thị trường Anh có nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu thuận lợi. Khi tham gia UKVFTA, các doanh nghiệp Việt có lợi về thuế vì mức cắt giảm thuế của Anh rất lớn, tương đương EU. Vì thế khi tham gia UKVFTA, chúng ta có lợi thế rất tốt về thuế so với nhiều đối tác trong khu vực.
Các khó khăn về lạm phát toàn cầu, giá nhiên liệu tăng,… cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh: “Khó khăn lớn nhất vẫn là tư duy của doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp có chấp nhận hài lòng với những gì họ có hay là vượt qua sự hài lòng đó. Qua sự trao đổi với một số doanh nghiệp tôi thấy họ chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường truyền thống như châu Á, Ấn Độ, Ả rập. Khi được hỏi tại sao không xuất khẩu sang EU, nhiều doanh nghiệp cho biết họ sợ không đủ trình chơi. Họ sợ và không muốn thay đổi. Với tư duy như vậy, chúng ta sẽ làm mất nhiều cơ hội có được từ UKVFTA”. |
Lợi thế tiếp theo là sau Covid-19, Anh đang thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung. Trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung, Anh sẽ hướng đến thị trường có FTA. Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường Anh quan tâm.
Dẫn chứng về mặt hàng gạo xuất khẩu, ông Ngô Chung Khanh cho biết mặt hàng này đã có kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể, gần 100%, điều đó cho thấy Anh đang hướng đến mặt hàng gạo của Việt Nam. Còn một điểm thuận lợi nữa, Anh là thị trường lớn có sức mua cao, đây là thị trường rất tiềm năng cho Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội.
Bên cạnh các thuận lợi, vị chuyên gia cũng đưa ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt cần phải vượt qua. Đó là Anh có tiêu chuẩn cao, đặc biệt là tiêu chuẩn về môi trường, lao động có sự khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với những tiêu chuẩn này của thị trường Anh.
Bảo Thoa
Bình luận