TP.HCM: Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế Khai mạc Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023 Cần có chính sách thu hút nguồn lực kiều hối vào TP.HCM

Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp cùng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội nghị "Đổi mới sáng tạo và sáng chế xanh cho sự phát triển bền vững" nhằm xúc tiến thương mại hóa sáng chế và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tại hội nghị, ông Phan Ngân Sơn, Nguyên Cục Phó Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hoạt động sáng tạo gắn liền với sự phát triển của con người từ khi bắt đầu có sự sáng tạo từ cấp thấp đến cấp cao. Sáng chế trong hoạt động sáng tạo nghĩa là tạo ra những giải pháp được cho là mới để dẫn đến sự đổi mới và những giải pháp này sẽ được gọi là sáng chế. Sáng chế được tạo ra nhằm giải quyết nhu cầu của con người, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Ông Sơn dẫn câu chuyện thang trượt thoát hiểm trong các tòa nhà cao tầng của nhà sáng chế Trần Văn Tuấn đã được cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2022. Giải pháp này khắc phục được những hạn chế của thoát hiểm ống trượt, thang dây, thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà bằng việc thiết kế các "chiếu nghỉ" giữa các tầng để người thoát hiểm dừng, tránh tình trạng giẫm đạp nhau, đảm bảo an toàn trong quá trình thoát hiểm.

Thúc đẩy sáng chế xanh để phát triển bền vững
Ông Phan Ngân Sơn, Nguyên Cục Phó Cục Sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho rằng, đam mê là động lực của các nhà sáng chế, nhưng đam mê sáng chế thì cần tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng cần chứ không chỉ tạo ra sản phẩm bản thân thích. Điều này sẽ tốn nhiều công sức và tiền bạc của nhà sáng chế khi không thương mại hóa được.

Tại Việt Nam tỉ lệ thương mại hóa sáng chế rất thấp khoảng 5%, (thế giới 20-25% là cao). Nguyên nhân các nhà sáng chế không có nguồn lực, có những sáng chế tư duy thiết kế không thấu hiểu được người dùng hoặc doanh nghiệp nhận thấy khó mang lại lợi nhuận nên không đầu tư.

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, ông Bình cho biết, các trung tâm thương mại hóa trong đại học thường thu thập nhiều sáng chế sau đó có chuyên gia đánh giá khả năng thương mại hóa và nhà đầu tư cho ý kiến về đầu ra sản phẩm. Sau đó họ tập trung giúp nhà sáng chế cải tiến sản phẩm đó.

Ông Bình cho biết thêm, sáng chế xanh không chỉ là xu thế của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hiện nay, một số nước đã có quy chế rõ ràng về sáng chế xanh, nếu nhà sáng chế được công nhận có sáng chế xanh sẽ nhận được những cơ chế về phí đăng ký sáng chế. Việt Nam vẫn đang khuyến khích các nhà sáng chế tập trung vào những sáng chế phát triển bền vững cho nền kinh tế đất nước, giảm thiểu tác động đến môi trường, không tiêu tốn tài nguyên đất nước.

Thúc đẩy sáng chế xanh để phát triển bền vững
Toàn cảnh hội nghị.

Ông Thân Thế Hào, Giám đốc công ty Thuận Thiên đồng tình, những sản phẩm mới sẽ mất nhiều thời gian để thị trường chấp nhận. Vì vậy các nhà sáng chế cần dựa trên nhu cầu thực tế để đưa ra các giải pháp mới có thể thương mại hóa thành công.

Tại hội nghị, nhà sáng chế Bạch Kim Khương đã giới thiệu phễu thoát sàn giải quyết nhiều vấn đề cho người tiêu dùng, đặc biệt là mùi hôi trong không gian nhà ở, khách sạn, chung cư,... Ông Khương bắt đầu nghiên cứu và nhận thấy trên thế giới hiện có hai sản phẩm ngăn mùi hôi là con thỏ chống hôi và gully trap. Tuy nhiên, hai sản phẩm này cũng có những hạn chế nhất định. Với con thỏ thông thường, khi bị nghẹt thì việc thông ống rất khó vì con thỏ được lắp đặt ở tầng dưới. Với gully trap dù ngăn mùi lâu nhưng khó thi công tại Việt Nam vì yêu cầu độ chính xác cao giữa bản thiết kế và thi công thực tế.

Từ đó, ông Khương đã sáng chế ra phễu thoát sàn xử lý được 5 vấn trên và có nhiều ưu điểm hơn so với con thỏ thông thường và gully trap. Trong đó, phễu thoát nước đã ngăn mùi tuyệt đối từ cống, thoát nước nhanh từ 25-38 lít/phút, bảo hành đến 80 năm, không cho thấm nước sàn và ngăn côn trùng xâm nhập.