Khai mạc Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023 Cần có chính sách thu hút nguồn lực kiều hối vào TP.HCM TP.HCM: Tìm "đầu ra" cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đó là nội dung quan trọng của kế hoạch "Thanh niên TP.HCM khởi nghiệp - lập nghiệp, đổi mới sáng tạo" giai đoạn 2023 - 2027 vừa được Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM ban hành.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu, tư vấn hướng nghiệp cho ít nhất 300.000 thanh thiếu niên mỗi năm; giới thiệu việc làm cho ít nhất 120.000 thanh niên và huấn luyện, trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho ít nhất 200.000 thanh thiếu nhi, nâng quy mô nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng.

Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế, hỗ trợ 800 dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên; hằng năm tổ chức ít nhất 1 hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn, doanh nghiệp trẻ khởi sự và lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp an toàn có xuất xứ, nguồn gốc.

Phấn đấu đến năm 2027 có ít nhất 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên được kết nối, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

TP.HCM: Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế
Sinh viên TP.HCM tham gia một hội thảo về khởi nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ và đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và giới trẻ khởi nghiệp định kỳ 2 năm/lần. Mỗi năm tổ chức một cuộc thi dành cho thanh niên, doanh nghiệp trẻ TP.HCM về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện 4 buổi tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, 2 buổi tập huấn nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, lập nghiệp lồng ghép công tác tập huấn về điểm tín dụng (CIC)...

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về khởi nghiệp, lập nghiệp đổi mới sáng tạo; thường xuyên cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về phát triển doanh nghiệp, quản lý kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, thị trường và các nguồn quỹ, vốn vay.

Kết nối Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác để khai thác sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng theo đề án đã xây dựng.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về các nguồn vốn vay; đào tạo, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tạo cơ chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng mô hình mạng lưới kết nối thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế.

Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp trẻ đi đầu trong đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu để hội nhập và phát triển. Thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, tham quan các mô hình doanh nghiệp tiêu biểu, gắn với từng lĩnh vực như: giáo dục, y tế, công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, dự án tác động xã hội...