Nâng cao hiệu quả hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp Quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khiếm thị Tinh hoa làng nghề điêu khắc Dư Dụ

Giữ lửa nghề điêu khắc

Nhắc đến xã Hiền Giang, không thể không nói đến làng nghề điêu khắc Nhân Hiền cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Cũng giống những làng nghề truyền thống khác, đến Nhân Hiền, từ xa hẳn bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được không khí lao động nhộn nhịp.

Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã có hơn 40 năm gắn bó với điêu khắc gỗ.

Ghé đầu làng, người ta có thể nghe được tiếng lách cách của những nhát đục, nhát gõ, ngửi được mùi gỗ mới, sờ được những khối gỗ từ sần sùi, thô ráp đến trơn bóng, nhẵn nhụi… Đặc biệt, bất cứ ai đến nơi đây đều bị ấn tượng và yêu mến miền quê này bởi những sản phẩm thủ công độc đáo được làm từ cái tâm, cái tài của người thợ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc - một trong những người tiêu biểu của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền chia sẻ: Điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” ở Hiền Giang và phát triển từ thế kỷ XVII tới nay với nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật. Xưa kia, làng có nhiều nghệ nhân được cử vào kinh thành Huế xây dựng cung đình, lăng tẩm... Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, người dân Hiền Giang còn linh hoạt chuyển từ điêu khắc mộc truyền thống sang đá và các chất liệu khác.

Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang
Xưởng điêu khắc của Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc.

Đáng chú ý, Nhân Hiền có khoảng 1.000 lao động, chiếm hơn 90% số hộ dân của làng làm nghề điêu khắc. Những người thợ ở đây cũng sản xuất từ bức phù điêu loại nhỏ như chiếc phích đến những bức tượng khổng lồ cao đến hơn 7m. Nghề điêu khắc ở làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi mỗi năm.

Toàn huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố là làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và 48 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Nhiều thương hiệu làng nghề đã nức tiếng khắp trong và ngoài nước như: Đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm (xã Vạn Điểm), điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang), lưới cá Trần Phú (xã Minh Cường), hoa cây cảnh Hồng Vân, hoa cây cảnh Nội Thôn (xã Vân Tảo) và mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (xã Thống Nhất)…

Theo các nghệ nhân làng nghề, công việc của người thợ điêu khắc gỗ không hề dễ dàng. Để có được một sản phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua các công đoạn từ khâu chọn nguyên, vật liệu cho đến phác thảo bản vẽ pho tượng rồi mới bắt tay vào chế tác. Quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải tập trung tối đa, từng động tác thật tỉ mỉ, bảo đảm đạt được sự chuẩn mực trong từng chi tiết của sản phẩm.

Mỗi sản phẩm như vậy, người thợ tùy theo cấu trúc của bức tượng rồi sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình điều chỉnh từng đường cưa, nhát đục, nhát đẽo theo từng góc độ sản phẩm yêu cầu. Độ đậm nhạt trên bức tượng cũng được thể hiện qua đôi tay đưa lên đặt xuống chính xác của người thợ. Tác phẩm điêu khắc phải chứa đựng nhiều cảm xúc, thể hiện cái hồn của nhân vật được mô tả của tượng dân gian.

Quy hoạch bài bản để phát triển

Không chỉ bó hẹp trong điêu khắc gỗ, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, người dân Hiền Giang còn linh hoạt chuyển từ điêu khắc mộc truyền thống sang điêu khắc trên chất liệu đá. Một trong những người thợ điêu khắc đá đầu tiên tại địa phương có sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ... là Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú. Ông Phú cho hay, với điêu khắc đá, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì còn cần phải sáng tạo để có dấu ấn riêng chứ không thể sản xuất đại trà. Để cho ra đời một sản phẩm thường mất rất nhiều thời gian và các công đoạn cần phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu, khéo léo chạm, khắc từng chi tiết nhỏ.

Đến nay, các sản phẩm của ông trở nên đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Từ những sản phẩm lớn như: Tượng phật, tượng linh phú, tượng người… đến những đồ vật nhỏ như: Bình, đèn, hộp trang sức… Các sản phẩm của ông đã đạt đến độ tinh xảo, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số nước như: Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Châu Âu…

Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang
Một số sản phẩm "thô" nhưng thể hiện rõ nét sự tỉ mỉ và tay nghề cao của những người thợ điêu khắc Nhân Hiền.

Đối với Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú, làm điêu khắc không phải chỉ đơn thuần là giữ nghề truyền thống của cha ông mà qua đó còn để gửi gắm tâm hồn mình vào từng sản phẩm. Tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc luôn là những tình cảm cao đẹp nhất. Nhờ điêu khắc, ông đã gửi gắm tình yêu đó qua từng sản phẩm, đặc biệt là tác phẩm “Đài Sen”.

Đây là tác phẩm độc nhất vô nhị, được ông sáng tác nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tác phẩm có kích thước cao 3,7m; chiều ngang của đế chỗ lớn nhất là 2,7m. Kết cấu gồm 4 phần được chồng lên nhau gồm: Bệ vuông, đài sen, cột khắc chiếu dời đô, búp sen. Đế vuông gồm 2 tầng, xung quanh có 304 ô chữ nhật, mỗi ô chạm khắc một đôi rồng tinh xảo. Toàn bộ bệ vuông có 608 con rồng giống nhau về hình dáng, kích thước vô cùng uyển chuyển. Sản phẩm là sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và cái “hồn” của người thợ, thể hiện niềm tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Rõ ràng, để làng nghề tồn tại và phát triển, những tấm gương “giữ lửa” và trao truyền nghề truyền thống như Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú… có tầm quan trọng và công lao không thể phủ nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, làng nghề cũng cần có sự định hướng để phát triển với quy mô và sức lan tỏa rộng lớn hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Thông tin về định hướng phát triển làng nghề, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang Nguyễn Thị Thi cho biết, làng nghề Nhân Hiền có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống, xã hiện đang đề nghị với huyện xây dựng và quy hoạch khu chuyên trưng bày, triển lãm các sản phẩm tinh túy của làng nghề.

Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang
Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú luôn mong muốn gìn giữ và phát triển nghề điêu khắc Nhân Hiền.

Bên cạnh đó, xã Hiền Giang cũng khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các hộ làm nghề tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người dân làng nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ…

Về lâu dài, địa phương cũng xác định việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã, người làng nghề cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.