TP.HCM: Chậm tiến độ nhiều dự án nghìn tỷ
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, đến nay cơ quan chức năng đã thẩm định, phê duyệt 8/10 gói thầu xây lắp dự án thành phần 1, thành phần 2 thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.HCM. Đồng thời đã khởi công xây dựng gói thầy xây lắp XL03, XL06, XL08, XL09. Hiện các nhà thầu đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm.
Chạy thử nghiệm thành công tàu metro số 1. Ảnh: Thành Đồng. |
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các địa phương nơi dự án đi qua đã phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Tính đến ngày 30/9/2023, đã chi trả cho 1.136 trường hợp với diện tích mặt bằng đồng ý bàn giao là 387,405/410,439 ha (đạt 94,39%). Dự án thành phần 1 đã giải ngân được 1.495/7.600 tỷ đồng (đạt 19,7%), dự án thành phần 2 giải ngân được 9.577/14.751 tỷ đồng (54,9%).
Nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án đường vành đai 3 khoảng 1,6 triệu m3 đất đắp nền, 1,5 triệu m3 cát đắp nền đường, 4,4 triệu m3 đá xây dựng các loại. Hiện TP.HCM đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) báo cáo cấp có thẩm quyền, chủ trì, làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án vành đai 3. Đồng thời kiến nghị các Bộ: GTVT, TNMT, Khoa học và Công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc, giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu cát đắp như hiện nay.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, đường song hành 2 bên đáp ứng 2 - 3 làn xe với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Dự án được thực hiện vào năm 2022, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. |
Một dự án trọng điểm khác là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hiện nay dự án đã triển khai thi công 4/5 gói thầu chính xây lắp và thiết bị với lũy kế tổng khối lượng đạt 96,22%. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay đạt 25.822 tỷ đồng/43.757,1 tỷ đồng (đạt 59,01%). Hiện nay dự án đang gặp vướng mắc về việc điều chỉnh cấu phần của Hợp đồng vay VN15-P5, Bộ Tài chính đang xem xét, thực hiện các thủ tục còn lại đồng thời đã báo cáo và kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét, phê duyệt chủ trương huy động khoản vay và cơ chế tài chính đối với khoản vay số 42. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tài trợ cho khoản vay này với hạn mức 41.223 triệu Yên.
Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đô thị tại TP.HCM chậm tiến độ. Ảnh: Đình Nguyên. |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, TP.HCM kiến nghị Chính phủ có ý kiến với JICA Nhật Bản (nhà tài trợ vốn vay ODA) về đề nghị các nhà thầu EPC của dự án thực hiện các công việc còn lại đúng tiến độ. Bộ Tài chính sớm xem xét, xúc tiến các thủ tục liên quan đến Thỏa thuận vay số 4 và ký kết Phụ lục Hợp đồng vay lại đối với khoản vay VN15-P5. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, có ý kiến về nội dung chỉ số giá xây dựng trong lĩnh vực đường sắt để điều chỉnh giá hợp đồng; Bộ GTVT sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt đô thị làm cơ sở triển khai áp dụng thống nhất trong sự phát triển toàn hệ thống.
Tuyến metro số 1 dài 19,7 km (đoạn đi ngầm 2,6 km, đoạn đi cao 17,1 km) với 14 nhà ga. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2007 đến năm 2026. Tổng mức đầu tư dự án hơn 43.757 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 38.265 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng Nhà nước. |
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 86,69% (508/586 trường họp bàn giao mặt bằng), đã hoàn thành gói thầu xây dựng Tòa nhà văn phòng depot Tham Lương (gói thầu CP1). Các gói thầu chính EPC còn lại của dự án đang được cập nhật hồ sơ mời thầu để chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu. Lũy kế tính từ đầu dự án đến nay đã giải ngân 1.326/47.890 tỷ đồng (đạt 2,77%).
Hiện dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thẩm định vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ, bổ sung vốn cho dự án và gia hạn các khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong tháng 10/2023 và báo cáo Bộ Tài chính xem xét tổng thể tài chính dự án; trình Bộ Tài chính đề xuất các khoản vay bổ sung, hoàn tất thẩm định vay lại các khoản vay bổ sung.
Tuyến metro số 2 dài 11,042 km (đoạn đi ngầm dài 9,091 km, đoạn đi trên cao dài 1,951 km) với 10 nhà ga. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 đến năm 2026 với tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng. Trong đó vốn vay cấp phát ODA là 7.601 tỷ đồng, vốn ODA vay lại là 29.885 tỷ đồng. Nhà tài trợ dự án là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB). |
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trấn Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa thuộc dự án giao thông kết nối vào nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án có quy mô hơn 4km, mặt cắt ngang 6 làn xe, bề rộng từ 29,5m đến 48m, phục vụ cho việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm.
Dự án đã tổ chức khởi công và đang triển khai thi công theo tiến độ; đã hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Các gói thầu còn phần đấu hoàn thành tháng 9/2024. Hiện nay, UBND quận Tân Bình đã nhận bàn giao 12,561 ha đất của 14/14 đơn vị quốc phòng, đang triển khai các thủ tục liên quan đến việc tháo dỡ, thanh lý vật kiến trúc, vật tư thu hồi tại khu đất của 2 đơn vị quân đội (Sư đoàn 370, Công ty dệt may 7).
Tương tự, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Dự án dài khoảng 50,1977km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 34,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 20.103 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Hiện nay UBND TP.HCM đã chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án và đơn vị Tư vấn giải trình bổ sung ý kiến thẩm định và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét, trước khi UBND Thành phố trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Thi công cống Mương Chuối thuộc dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. |
Một dự án “đình đám” khác là dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, hiện cũng chưa thể “về đích”. Tính đến nay hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, đê kè đạt 85%, cầu Kinh Bà Bướm đạt 92%, nhà quản lý Trung tâm đạt 85% và đã hoàn tất hạng mục hệ thống SCADA.
Hiện nay dự án đang gặp khó khăn về cơ chế thanh toán quỹ đất BT, nguồn vốn… nên đang tạm dừng thi công thảm đá gia cố lòng sông, hoàn thiện nhà quản lý và cảnh quan, công tác bơm cát, hoàn thiện các công tác sau kè, thảm đá gia cố bờ sông phía trước kè. Bên cạnh đó là việc tạm dừng thi công nhà quản lý, các công trình phụ trợ, công tác hoàn thiện, trang trí nội thất, đường nội khu, cảnh quan và lắp đặt các thiết bị.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biển đổi khí hậu - giai đoạn 1 có quy mô 6 cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40 - 160m, xây dựng 7,8 km đê/kè bao các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh – Giai đoạn 1 và khoảng 25 cống nhỏ có từ Vàm Thuật đến Mương Chuối, xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống Scada. |
Bình luận