TP.HCM: Sắp xếp các bến thủy nội địa tại bến Bạch Đằng
Theo đó, trong khi chờ triển khai quy hoạch chi tiết tỷ 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố chấp thuận phương án sắp xếp bến thủy nội địa và chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, quận 1.
Cụ thể Sở GTVT đề xuất phương án cải tạo cầu bến, phục vụ cho các hoạt động công vụ tại cầu bến C – cầu bến Ba Son; cải tạo cầu bến B – cầu bến Ba Son cho các phương tiện thủy ra, vào đón trả khách (không neo đậu), phục vụ hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy, tàu nhà hàng.
Đối với cầu bến số 1 công viên bến Bạch Đằng, Sở GTVT đề xuất tiếp tục sử dụng hoạt động tuyến buýt đường sông, các cầu bến 2, 3, 4 còn lại phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách và du lịch đường thủy, tàu nhà hàng.
Sở GTVT Thành phố cũng đề xuất phương án tổ chức giao thông kết nối các cầu bến như cho giữ xe 2 bánh, cho xe ô tô dừng đón trả khách, xây dựng nhà vệ sinh, cải tạo hệ thống kè hiện hữu và nạo vét (đoạn từ cầu Thủ Thiêm 2 đến cột cờ Thủ Ngữ)…
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với Sở GTVT xây dựng phương án tổ chức khai thác hoạt động bến thủy nội địa tại các cầu bến 2, 3, 4 công viên bến Bạch Đằng và cầu bến B - Cầu bến Ba Son, trong đó nêu rõ kế hoạch tiếp nhận các phương tiện thủy hành khách, du lịch và tàu nhà hàng, thời gian khai thác, cơ phương tiện tiện được phép tiếp nhận tại các bến thủy nội địa đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả.
Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa để đầu tư xây dựng bố sung cầu dẫn thép cầu bến B, nhà vệ sinh, nhà chờ, bãi gửi xe, mái che người đi bộ trên vĩa hè, hệ thống phao nổi và thang lựa triều tại các cầu bến 2, 3, 4 và cầu bến B - cầu bến Ba Son, đáp ứng nhu cầu khai thác an toàn, hiệu quả. Thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại các bến thủy nội địa.
Hiện nay UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan lập quy hoạch chi tiết tỷ 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng, đề xuất tương quan khu vực 2 bên bờ sông Sài Gòn giữa công viên bến Bạch Đằng và quảng trường công viên bờ sông của Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sắp xếp và đề xuất bổ sung chức năng của các bến thủy, bãi đậu xe, các tiện ích công cộng phù hợp. |
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay các sản phẩm du lịch đường thủy đang khai thác tại khu vực bến Bạch Đăng gồm nhóm sản phẩm du lịch tầm ngắn là các tour trên sông tuyến nội đô có bán kính dưới 10km với 15 đơn vị đang khai thác. Chủ yếu là các tuyến du lịch đi Bình Quới đã được đầu tư hoàn chỉnh các bến.
Từ tháng 11/2017, tuyến buýt đường thủy số 1 đưa vào khai thác với 4 phương tiện (sức chở 75 khách/tàu, 30 lượt chạy tàu/ngày) đã tăng lượng khách trên tuyến, hiện khoảng 75% khách đi tuyến buýt đường thủy số 1 là khách du lịch tham quan ngắm cảnh sông nước kết hợp thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực Khu Du lịch Bình Quới 1, Bình Quới 2 (trung bình có khoảng 14.000 lượt khách/tháng tham gia).
Một phân khúc nhỏ trên tuyến du lịch đi Bình Quới là tuyến bến Bạch Đằng/bến Lan Anh - Landmark - Bình Quới. Tuyến này dành cho du thuyền kết hợp ẩm thực và tổ chức sự kiện, phục vụ khách trong nước và quốc tế có thu nhập tầm trung trở lên.
TP.HCM đang quy hoạch lại khu vực công viên bến Bạch Đằng, quận 1 nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan khu vực trung tâm và khai thác kinh tế du lịch. |
Tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè chủ yếu kết hợp hoạt động thưởng ngoạn trên kênh với các hoạt động văn hóa – lịch sử, thời gian và chi phí trải nghiệm tour phù hợp cho khách nội địa. Hiện đơn vị đang khai thác đã đầu tư vẽ tranh dưới chân cầu, trang trí đèn và bổ sung các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí. Lưu lượng hành khách tại mỗi đầu bến trung bình khoảng 1.000 lượt/tháng. Số lượng phương tiện thủy hoạt động tại 2 bến là 26 phương tiện, có sức chở từ 7 - 40 người, 3 phương tiện sức chở trên 40 người.
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung là các tour trên sông tuyến nội đô có bán kính 10 – 60km có khoảng 13 đơn vị đang khai thác. Chủ yếu là các tuyến du lịch đi Củ Chi. Hệ thống bến thủy kết nối vào các khu du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh với điểm đến chính là Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, các khu du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn, trung bình khoảng 3000 khách/tháng.
Trong khi đó, tuyến du lịch đi Cần Giờ chủ yếu là du lịch sinh thái, kết hợp khai thác giá trị ẩm thực địa phương (hải sản, xoài, yến... ) tại các điểm du lịch cộng đồng. Số lượng khách trung bình 1.000 khách/tháng. Từ tháng 2/2018 khi tuyến vận tải cao tốc từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ và bến khu du lịch Hồ Mây, Vũng Tàu được đưa vào hoạt động giúp tăng số khách du lịch đến Cần Giờ, mỗi ngày có khoảng 8 đến 18 lượt chạy tàu.
Nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa là các chương trình du lịch từ TP.HCM đi các tỉnh trong khu vực, có khoảng 10 đơn vị đang khai thác trên tuyến, xuất phát từ khu vực trung tâm TP.HCM (Cảng Sài Gòn, bến Tân Cảng, Cẩu Mống...) đi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ hoặc nối với tuyến Châu Đốc - An Giang để kết nối qua Campuchia. Thực tế vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp khai thác, xây dựng các tuyến du lịch tầm xa do chi phí khá cao, thời gian di chuyển nhiều nên khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường khách.
Bình luận