Thúc đẩy sáng chế xanh để phát triển bền vững TP.HCM: Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế Khai mạc Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 5 năm gần đây lượng kiều hối trên địa bàn Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 7,6%/năm. Do đó, ông đánh giá mục tiêu tăng 10% nguồn kiều hối về TP.HCM mỗi năm trong đề án của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài là hoàn toàn có cơ sở khả thi.

Tuy nhiên, để kiều hối tăng trưởng theo kế hoạch, ông Lệnh cho rằng, phải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động này, gắn với việc sử dụng ngày càng mở rộng các phương tiện thanh toán hiện đại.

Ở góc độ tài chính ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong số lượng ngoại hối đổ về Việt Nam thì nguồn kiều hối chỉ đứng sau vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhưng đứng trước ODA. Nhưng về định tính thì nguồn kiều hối ổn định hơn cả FDI và ODA. Đặc biệt, kiều hối là nguồn viện trợ không hoàn lại và không phải trả lãi và không tạo ra gánh nợ cho TP.HCM trong hiện tại và tương lai.

TP.HCM: Tìm giải pháp thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối
Toàn cảnh hội thảo.

"Trong số các quốc gia có người Việt Nam sinh sống gửi tiền về thì Mỹ là quốc gia có số lượng tiền gửi chiếm khoảng 60% tổng số tiền gửi về Việt Nam hằng năm. Và có khoảng 1/3 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là đổ về TP.HCM", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết thêm, theo ước tính hiện nay hơn 50% kiều hối được sử dụng vào mục đích mua bất động sản trực tiếp hay qua người quen tại TP.HCM. Vì dịch Covid 19, kiều hối chuyển về TP.HCM để đầu tư vào sản xuất kinh doanh là rất ít trong 3 năm qua. Kiều hối được sử dụng chủ yếu để mua bất động sản và tiêu dùng, hỗ trợ người thân chống đỡ bệnh tật và vượt qua khó khăn về kinh tế.

Ông Hiếu cho biết, TP.HCM là trung tâm thương mại của cả nước. Kiều hối đổ về TP.HCM sẽ giúp tăng lượng ngoại tệ tại đây và hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế và đầu tư nước ngoài. Một lượng ngoại tệ lớn được gửi lại tại các ngân hàng thương mại, mặc dù lãi suất cho tiền gửi USD là 0%, giúp các ngân hàng cho vay tài trợ thương mại, là một hoạt động cho vay quan trọng để thúc đẩy ngoại thương tại TP.HCM.

TP.HCM: Tìm giải pháp thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, số lượng ngoại hối đổ về Việt Nam, thì nguồn kiều hối đứng sau FDI, nhưng đứng trước ODA.

"Dự báo kinh tế thế giới 2023 tiếp tục khó khăn, Chính phủ tại nhiều quốc gia tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Giá sinh hoạt tăng và làm giảm thu nhập dư thừa để Việt kiều gửi tiền về VN. Dự báo kiều hối 2023 có thể sẽ giảm so với 2022", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, để khuyến khích dòng tiền đổ về, thì kinh tế vĩ mô của TP.HCM phải được cải thiện để tăng lòng tin của kiều bào với sự phát triển của đất nước và sự tin tưởng vào những cơ hội đầu tư tại TP.HCM. Tiếp tục chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào. Tiếp tục chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng...

Ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu cho biết, để hoạt động hỗ trợ Việt kiều và thu hút Kiều hối về TP.HCM , đã đến lúc cần có chủ động, có chủ trương kết hợp với các Việt kiều, các Công ty Việt kiều, các tổ chức cộng đồng có uy tín, có năng lực ở nước ngoài cùng xây dựng các nhịp cầu thương hiệu TP.HCM trong các lĩnh vực hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ kiều bào và thân nhân. Tạo điều kiện cho Việt kiều, thân nhân Việt kiều có pháp lý, có điều kiện sống, làm việc, đầu tư về Việt Nam.

TP.HCM: Tìm giải pháp thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối
Bà Trần Tuệ Tri, Tổng Giám đốc Pharmacity cho biết, chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào.

Bà Trần Tuệ Tri, Tổng Giám đốc Pharmacity cho biết, đối với lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt làm việc tại nước ngoài, đây là nguồn lực có thu nhập cao và được phép mang gia đình theo. Vì vậy nguồn kiều hối đổ về chủ yếu là tích lũy và đầu tư. Với kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và am hiểu Việt Nam, họ mong muốn sẽ quay trở lại và quan tâm nhiều đến các cơ hội đầu tư tốt tại quê nhà.

Nhằm thu hút hơn nữa lượng kiều hối đối tượng này, thì các kênh chuyển tiền chính thức cần nhanh chóng, thuận lợi hơn để thu hút kiều hối. Việc các ngân hàng đầu tư tốt hơn cho Ngân hàng số, dễ sử dụng, nhanh chóng, lãi suất tốt, giảm chi phí chuyển tiền không những thu hút nguồn ngoại tệ mà còn gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Đối với nguồn kiều hối từ kiều bào, bà Tri cho rằng, chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào. Theo đó, Luật đất đai sửa đổi nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện để kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương. Ví dụ, cho phép kiều bào không có quốc tịch Việt Nam được mua nhà đất và có sở hữu lâu dài thay vì 50 năm. Các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa... để hỗ trợ khởi nghiệp.