Hà Nội dự kiến tuyển dụng 452 giáo viên vào tháng 11/2022 Y bác sĩ, giáo viên mong tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023 Lên phương án khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, năm 2022, cả nước có hơn 1,2 triệu cán bộ quản lý, giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, tăng hơn 245 nghìn người so với năm 2008 (năm 2008 là hơn 981 nghìn người).

Cấp Tiểu học hiện có số lượng cán bộ quản lý, giáo viên nhiều nhất với gần 402 nghìn người. (Ảnh minh họa: P.T)
Cấp tiểu học hiện có số lượng cán bộ quản lý, giáo viên nhiều nhất với gần 402 nghìn người. (Ảnh minh họa: P.T)

Trong đó, cấp tiểu học hiện có số lượng cán bộ quản lý, giáo viên nhiều nhất với gần 402 nghìn người, ít nhất là cấp Trung học phổ thông với hơn 155 nghìn người.

Đáng chú ý, hiện nay, cấp trung học cơ sở có hơn 301 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, giảm hơn 12 nghìn người so với năm 2008. Đây cũng là cấp học duy nhất có quy mô cán bộ quản lý, giáo viên giảm; các cấp học còn lại đều tăng quy mô, trong đó cấp mầm non tăng nhiều nhất, từ hơn 183 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên (năm 2008) lên gần 369 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên (năm 2022), tức là tăng gấp hơn hai lần.

Về trình độ đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non đạt 82%; tiểu học đạt 75,3%; trung học cơ sở đạt 86,4% và trung học phổ thông đạt 99,9%.

Dù quy mô giáo viên trên cả nước tăng, song tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại. Cả nước hiện còn thiếu hơn 100 nghìn và thừa cục bộ hơn 5 nghìn giáo viên mầm non, phổ thông. Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định; còn thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Tiếng Anh, tin học (cấp tiểu học); âm nhạc, mỹ thuật (cấp trung học phổ thông).

Một số địa phương bị động về nguồn tuyển dụng. Chính sách thu hút giáo viên ở địa bàn khó khăn còn hạn chế. Bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập. Nhân lực y tế trường học còn thiếu dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả cấp học, môn học để xác định số lượng giáo viên còn thiếu; tổ chức tuyển dụng số biên chế được giao chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026; rà soát, sắp xếp, chuyển những trường phổ thông có quy mô nhỏ thành điểm trường của trường cùng cấp học hoặc chuyển thành điểm trường của trường phổ thông có nhiều cấp học.

Bộ GD&ĐT cũng xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức cơ cấu lại biên chế được giao của các địa phương, tập trung ưu tiên biên chế cho giáo dục vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, bổ sung biên chế cho những nơi dân số tăng, nơi có khu công nghiệp...