Vượt khó, thoát nghèo từ nguồn vốn vay nuôi bò sữa
Ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp Phát động Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh” năm 2022 Nông dân trẻ “liều mình” nuôi bò 3B trở thành triệu phú |
Điển hình vượt khó, thoát nghèo, làm giàu
Dự án chăn nuôi bò sữa là mô hình tạo việc làm hiệu quả tại huyện Ba Vì. Hội viên phụ nữ có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi làm ăn xa. Dự án đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ làm nông nghiệp phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, giúp nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương từ nuôi bò sữa.
Các gia đình chăn nuôi bò sữa đều mong muốn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi để phát triển đàn bò. |
Gia đình chị Kiều Thị Phương, hội viên phụ nữ thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa, nhờ việc vay vốn phát triển chăn nuôi bò sữa, gia đình chị đã thoát cận nghèo và khó khăn. Hiện nay, tổng đàn bò của gia đình đã lên đến 9 con và có 8 con cho khai thác sữa, mỗi ngày thu được 150kg sữa với giá 14 nghìn đồng/1kg đem lại thu nhập bình quân là 40 triệu đồng/tháng.
Hay chị Lê Thị Mai là hội viên chi hội phụ nữ thôn Muỗi, xã Yên Bài trước đây gia đình cấy lúa và trồng màu nhưng đem lại thu nhập thấp nên hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Chị đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò sữa, được tham gia tổ liên kết và vay vốn từ Dự án Bò sữa, đến nay gia đình chị đã phát triển đàn bò với 5 con, trong đó có 3 con đang cho sữa, số sữa bình quân được khoảng 40 kg/ngày với giá sữa 13,5 nghìn đồng/1kg, cho thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Bích Quyên thuộc hộ cận nghèo thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh cũng là một trường hợp được vay vốn từ Dự án để có cơ hội thoát nghèo. Chị Quyên tham gia tổ liên kết vay vốn năm 2021 và đã được vay vốn từ dự án bò sữa với số tiền 20 triệu đồng để đầu tư mua 2 con bê lỡ. Đến nay, cùng với vốn tự có của gia đình, chị đã phát triển đàn bò 7 con, trong đó có 3 con đang khai thác sữa, bình quân được khoảng 40 lít sữa mỗi ngày với giá sữa 14 nghìn đồng/1 lít. Với thu nhập từ việc chăn nuôi bò sữa, gia đình chị đã thoát cận nghèo và có cuộc sống ổn định.
Thông qua các hoạt động của dự án chăn nuôi bò sữa đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa và xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội viên chăn nuôi bò sữa tích cực tham gia hoạt động Hội, góp phần tăng tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội tại các xã thực hiện dự án.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng Ban Quản lý dự án thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, để có được thành quả như trên, Dự án nhận được sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án từ Thành phố, huyện, xã, các tổ trưởng tổ vay vốn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; nhiệt tình, sát sao với công việc; theo dõi, quản lý vốn, thiết lập hồ sơ, sổ sách rõ ràng, minh bạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; không để thất thoát vốn.
Gia đình chị Trần Thị Hà (thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh) đang nuôi 10 con bò sữa. |
Cùng với đó, các hộ vay vốn thực hiện đúng cam kết khi tham gia dự án, trả gốc, lãi và tiết kiệm đúng hạn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Ban Quản lý Dự án Thành phố đã kịp thời nghiên cứu điều chỉnh món vay và thời hạn vay phù hợp để trong thời gian thực hiện dự án có nhiều hội viên được tiếp cận nguồn vốn.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Hương vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục và kiện toàn trong thời gian tới, đó là việc tiếp thu quy trình chuyển giao khoa học kỹ thuật ở một số hộ dân còn hạn chế dẫn đến chất lượng, năng suất sữa và thu nhập của một số hộ chưa cao.
Chi phí cho thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh trên đàn bò diễn biến phức tạp, vốn đầu tư ít, làm cho người chăn nuôi bò sữa chưa thực sự yên tâm với phát triển đàn bò sữa với quy mô lớn. Mức cho vay thực hiện dự án chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi; lãi suất cho vay của Dự án còn cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng tại địa phương.
Quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả
Dự án Bò sữa được triển khai tại 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa - huyện Ba Vì bắt đầu từ tháng 7 năm 2019 và kết thúc vào tháng 7 năm 2022 với nguồn vốn gốc là 2 tỷ đồng, thực hiện giải ngân cho 80 hộ vay với số tiền 25 triệu đồng/hộ. Hiện nay, dư nợ gốc đang cho vay là 2,063 tỷ đồng cho 173 thành viên vay vốn.
Trong quá trình thực hiện vay vốn, căn cứ nhu cầu của các thành viên, Ban Quản lý Dự án Bò sữa các cấp đã quay vòng cho các thành viên có nhu cầu vay vốn. Tính đến tháng 31/5/2022, đã tổ chức giải ngân 25 đợt vay cho 244 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong đó, có 222 hộ mua bê, bò; 110 con bê đang trong thời kì phát triển; 22 hộ vay sử dụng vốn sửa chữa chuồng trại, mua dụng cụ vắt sữa, thức ăn chăn nuôi.
Từ đàn bò lúc đầu, đến nay đã có 112 con đang cho khai thác sữa với lượng sữa mỗi ngày từ 10kg đến 20kg (giá sữa giao động từ 8-15 nghìn đồng/kg) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay, nhiều hộ vay đã thoát nghèo, cận nghèo và được nâng cao mức sống. Trong đó, 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn có thu nhập ổn định, mức sống được nâng cao.
Dự án chăn nuôi bò sữa đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Tại 3 xã Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài đã thành lập 6 tổ vay vốn chăn nuôi bò sữa với 219 thành viên tham gia. Hàng tháng, tổ chức sinh hoạt, thu gốc và thu lãi của thành viên vay vốn, kết nạp và bình xét cho vay, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Duy trì việc thực hiện tiết kiệm bắt buộc đối với các thành viên trong tổ, mỗi thành viên tiết kiệm 50 nghìn đồng/tháng, nhằm tạo thêm nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế gia đình.
Đến hết tháng 5/2022, các tổ đã tiết kiệm được 125,95 triệu đồng cho 17 hộ vay thêm vốn đầu tư chăn nuôi bò, không có trường hợp nào phải xử lý rủi ro. Tiền lãi thu được từ Dự án đã được trích lập vào các quỹ theo đúng quy chế quản lý, điều hành nguồn vốn.
Định kỳ 6 tháng/1 lần, Ban quản lý Dự án Thành phố chuyển gửi phí quản lý cho Ban quản lý Dự án Trung ương; hàng tháng gửi phí quản lý cho Ban quản lý huyện Ba Vì và 3 xã. Ban Quản lý dự án Thành phố đã sử dụng quỹ theo đúng quy chế quản lý, điều hành nguồn vốn đã ban hành.
Xuất phát từ nhu cầu cần thiết và hiệu quả thực hiện Dự án bò sữa trên địa bàn thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội cũng đề xuất với Ban Quản lý Dự án Bò sữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho kéo dài thời hạn thực hiện dự án 36 tháng kể từ tháng 8 năm 2022; đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay để các hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục có điều kiện đầu tư nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm tại chỗ; góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bảo Thoa
Bình luận