Nền tảng số Make in Vietnam, động lực thúc đẩy chuyển đổi số Đồng bộ các nhóm giải pháp về chuyển đổi số Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của toàn xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số

Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo… thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết: “Tính tất yếu của xu hướng CĐS đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, và thậm chí tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.

Nhiều nghiên cứu và bài học thực tiễn đã chứng minh những doanh nghiệp biết áp dụng công nghệ tiên tiến sớm hơn có cơ hội tạo ra những bước tiến lớn hơn, bắt kịp với xu hướng phát triển và tạo thêm nhiều giá trị mới, tạo khoảng cách ngày càng xa với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.

20% doanh nghiệp không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số
Toàn cảnh hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp 2022.

Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong hành trình CĐS so với năm 2021.

Cụ thể, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành CĐS có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều. Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới CĐS của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Cụ thể, có 48.8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng giờ không còn nhu cầu.

35,3% doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Một tỉ lệ nhỏ (2,2%) đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS là cần thiết

Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện CĐS một cách rõ ràng ngay từ đầu. Kết quả khảo sát cho thấy, công nghệ trước hết thường được doanh nghiệp áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu như hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Ngoài hai hình thức bán hàng truyền thống là bán hàng trực tiếp tại cửa hàng/điểm bán và bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trước đây do sự hỗ trợ và tham gia đặc lực của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki,…) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo và gần đây là Tiktok) với tỉ lệ đa số doanh nghiệp triển khai bán hàng đa kênh.

Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát thực hiện CĐS mang tính khá rời rạc, nhằm quản lý từng chức năng hoạt động riêng rẽ như vận chuyển hàng hoá, kho hàng, bán hàng, nhân sự và kế toán mà thiếu đi sự kết nối mang tính đồng bộ.

Qua phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là DNNVV) cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lên môi trường số. Tuy nhiên, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng CĐS khác nhau đòi hỏi xây dựng lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề.

Đáng quan tâm, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, CĐS trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Trong khi đó, chưa đến 40% các doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu CĐS từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp CĐS. Trong khi đó, có đến 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Đáng lo ngại có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS...